(GD&TĐ) - Thời điểm này, việc lên kế hoạch để tổ chức một chuyến đi đón nắng hè nơi biển xanh cát trắng hay trèo núi, lên rừng xanh mát thay đổi không khí đang được các cơ quan bắt tay thực hiện. Với các nhà trường, tổ chức cho giáo viên một chuyến dã ngoại hàng năm là việc không thể thiếu, tuy nhiên, phần kinh phí để lo một chuyến đi thực sự là bài toán khiến ban tổ chức phải đau đầu. Và cũng từ đây, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đưa ra.
Eo hẹp kinh phí
Tổ chức cho đội ngũ cán bộ - giáo viên – công nhân viên được tham quan nghỉ mát hàng năm là một trong những nhiệm vụ của công đoàn, ban giám hiệu các nhà trường. Ngoài việc giúp các thầy cô giáo, cán bộ trong trường được mở mang thêm kiến thức, nghỉ ngơi giải trí sau một năm làm việc vất vả, chuyến đi “đổi gió” còn nhằm tạo mối gắn bó đoàn kết, để mọi người có điều kiện hiểu nhau, thông cảm với nhau hơn, từ đó làm việc hiệu quả trong công tác, giải tỏa những căng thẳng về tinh thần sau những giờ làm việc vất vả.
Mong muốn là như vậy, nhưng để có một chuyến đi dã ngoại, nghỉ mát cho cả một tập thể nhà trường, vấn đề phải lo đầu tiên chính là kinh phí. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng có kinh phí để tạo điều kiện cho giáo viên đi tham quan, du lịch trong dịp hè.
Thông thường, kinh phí đi tham quan được trích từ nguồn quỹ của công đoàn, quỹ phúc lợi. Nhưng nguồn quỹ công đoàn thường hạn hẹp, chủ yếu sử dụng vào các hoạt động hiếu hỉ... nên đa số các trường không thể có đủ kinh phí để thường xuyên tổ chức dã ngoại, nhất là tham quan du lịch nước ngoài cho giáo viên... Bên cạnh đó, nhiều hiệu trưởng chia sẻ rằng nếu tổ chức một chuyến đi chơi xa “ra tấm ra món” phải huy động đóng góp cá nhân, mỗi giáo viên phải đóng thêm tiền. Nếu như vậy thì nhiều người có nguyện vọng muốn đi, nhưng “lực bất tòng tâm” nên không thể tham gia. Chính vì vậy, chưa nói đến du lịch nước ngoài, mà đi ngay trong nước thôi cũng là cả vấn đề khó khăn với ban tổ chức.
Nhiều trường học đã có sáng kiến thông qua các hoạt động vui chơi tổ chức cho học sinh, một số nhà trường lồng ghép thêm các hình thức vui chơi khác để giáo viên tham gia. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động mang tính chất lồng ghép với đối tượng chính là học sinh, giáo viên vui chơi “ké” trong khi vẫn làm nhiệm vụ trông nom, hướng dẫn học sinh. Vậy nên bài toán lại lòng vòng lại nỗi lấn cấn vì không có đủ kinh phí, nên muốn tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, nghỉ dưỡng chỉ dành riêng cho cán bộ, giáo viên, thì phải huy động sự chung tay đóng góp kinh phí của cán bộ, giáo viên mới tổ chức được.
Và câu hỏi với chủ tịch công đoàn, ban giám hiệu nhiều trường học mỗi dịp hè về là làm thế nào để có thể tạo được quỹ tổ chức tham quan nghỉ mát cho giáo viên một cách khoa học, thuận lợi nhất?
Nhiều sáng kiến
Việc tạo một quỹ đóng góp hàng tháng trong năm học để khi hè đến, mọi người có cơ hội tham quan, nghỉ dưỡng đang được nhiều trường học tính đến. Đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm về đề tài này. Trong đó đáng chú ý là cách làm vận động giáo viên, cán bộ trong trường học tiết kiệm nguồn tiền ăn sáng hoặc ăn trưa, bồi dưỡng... để tạo nguồn quỹ đi chơi.
Chuyến đi chơi tập thể giúp các giáo viên giải tỏa những căng thẳng về tinh thần sau những giờ làm việc vất vả |
Cụ thể, mỗi tháng, nhà trường bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên từ nguồn quỹ ăn sáng (ăn trưa,...) 100.000đ/người. Để có thêm kinh phí đi tham quan xa, công đoàn sẽ đề nghị mọi người cùng tiết kiệm khoản tiền này, gửi lại quỹ công đoàn số tiền đó trong 4 năm để tạo thành quỹ đi chơi. Với cách tiết kiệm như vậy, mỗi năm nhà trường sẽ có một khoản tiền không nhỏ để tổ chức tham quan.
Nguồn quỹ này có thể tạo điều kiện cho tập thể nhà trường tham quan du lịch nước ngoài như Singapore, Malaysia, Trung Quốc với số lượng người đi ít, luân chuyển trong 4 năm. Mỗi năm sẽ tổ chức cho 1 nhóm trên dưới 15 người tham quan du lịch nước ngoài. Nhóm tham quan này khi đi chơi về sẽ vẫn lại tiếp tục đóng góp tiết kiệm trong 4 năm. Những ai chưa đi sẽ tiếp tục đi trong những năm tiếp theo.
Trong 4 năm ai không đi do điều kiện riêng hoặc nghỉ việc, chuyển việc sẽ lĩnh số tiền bằng số tiền mình đã đóng. Như vậy đối với những người không đi chơi, họ cũng coi đây như là một cách để dành tiền, không bị thiệt về quyền lợi, vừa vui vẻ cùng tập thể. Sau 4 năm sẽ tiết kiệm được một khoản tiền để mua một thứ gì đó.
Còn đối với những người được đi tham quan thì rất phấn khởi, bởi có cơ hội được đi đây đó với cách đóng góp trả góp đoàn kết này.
Bên cạnh đó, có nhà trường linh động với giáo viên bằng cách cho phép giáo viên trả góp khoản đi chơi xa phải đóng góp thêm bằng cách trừ dần vào lương. Vấn đề là trước khi thực hiện, những sáng kiến, cách làm đều cần được thông qua hội nghị Cán bộ công chức, được đội ngũ nhất trí cao và được thực hiện nghiêm túc dưới sự giám sát của Công đoàn trường.
Không chỉ đứng ra một mình tổ chức, nhiều nhà trường còn kết nối được với chính quyền địa phương, các trường bạn để tổ chức tham quan học hỏi giao lưu, tìm được nguồn hỗ trợ quỹ công đoàn, tổ chức cho giáo viên, cán bộ nhà trường chuyến đi tham quan nghỉ mát hè bổ ích, đáng nhớ.n
Khi đi du lịch theo tour, không chỉ nhà trường, các em học sinh mà cả du khách là người lớn cần xem kỹ các điều khoản bảo hiểm trong hợp đồng, nhằm có cơ sở pháp lý khi xảy ra trục trặc. Bên cạnh yếu tố giá cả, cần cân nhắc đến các yếu tố khác như uy tín thương hiệu, chất lượng và khả năng đảm bảo an toàn của nhà tổ chức...
Mỹ Vân