Tạo môi trường 'vui để học, học mà vui' ở trường vùng cao

GD&TĐ - Cùng với truyền dạy kiến thức, các trường vùng cao ở Lai Châu đã chú trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thông qua những điều gần gũi, giản dị. Các trường đã phát huy vai trò của Tổng phụ trách Đội trong tổ chức hoạt động giáo dục trẻ.

Tiết học của cô trò trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng.
Tiết học của cô trò trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng.

Giáo dục từ hoạt động ngoại khóa

Năm học 2021 - 2022, trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng (huyện Mường Tè) có trên 300 học sinh. Đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học nên việc giáo dục đạo đức, lối sống cũng đòi hỏi thầy, cô phải linh hoạt, sáng tạo.

Thầy Nguyễn Duy Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo dục đạo đức cho học sinh là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng ở trường tiểu học. Ở đây, các em sẽ hình thành những cơ sở ban đầu về nhân cách, hành vi đạo đức, từ đó, nhận biết được việc đúng, sai, việc gì nên làm và không nên làm. Giúp các em ứng xử đúng đắn thông qua các mối quan hệ đạo đức hàng ngày”.

Chính vì vậy, bên cạnh việc học trên lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá để giáo dục lối sống cho học sinh. Hoạt động ngoại khoá được tổ chức theo chủ đề từng tháng để các em dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ những ngày lễ quan trọng.

“Giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tạo cho các em vui để học, học mà vui. Đây cũng là hình thức giáo dục đạt hiệu quả rất cao, vì các em được học tập trong môi trường rất thoải mái và phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lí” – thầy Nguyễn Duy Long chia sẻ.

Học sinh mặc trang phục dân tộc trong buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Học sinh mặc trang phục dân tộc trong buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Theo đó, tại các buổi ngoại khóa, nhà trường thường kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy chế. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục trật tự an toàn giao thông; các tai, tệ nạn xã hội. Việc phổ biến tuyên truyền pháp luật được thực hiện phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh tiểu học.

Quá trình giáo dục học sinh được nhà trường thực hiện theo các chủ điểm của từng tháng. Cùng với đó, thường xuyên thay đổi không khí học tập cũng như giáo dục thông qua: Trò chơi, đố vui, thi đua giữa các tổ, nhóm và cá nhân.

Theo thầy Sừng Chóng Tư, Tổng phụ trách Đội trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng chia sẻ: Đạo đức thể hiện trước hết qua hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm và hành động… Điều này trực tiếp qua cách ứng xử đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, bè bạn trong lớp và mọi người xung quanh. Đặc biệt là qua thái độ học tập và rèn luyện hàng ngày.

“Chúng tôi dạy trẻ từ những điều giản dị, gần gũi nhất như: Lời chào, cách xưng hô, sự chia sẻ cho đến việc gìn giữ văn hóa dân tộc… Bên cạnh đó, bản thân giáo viên cũng phải là những chuẩn mực đạo đức để học sinh noi theo. Để làm tốt điều đó, chúng tôi phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh để trao đổi về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, tính cách, sở thích của học sinh để có những hướng giáo dục hiệu quả” – thầy Tư nói.

Phát huy vai trò của tổng phụ trách Đội

Buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được liên đội trường phổ thông DTBT THCS xã Ka Lăng tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh trong nhà trường tham gia.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của trường phổ thông DTBT THCS xã Ka Lăng

Buổi sinh hoạt ngoại khóa kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của trường phổ thông DTBT THCS xã Ka Lăng

Theo thầy Chang Trung Dũng, Tổng phụ trách Đội trường phổ thông DTBT THCS xã Ka Lăng chia sẻ: Hằng năm, nhà trường thường tổ chức các buổi ngoại khóa với nhiều chủ đề mang tính giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh như: Phòng chống bạo lực học đường, hệ luỵ của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, an toàn giao thông…

“Bằng những tiểu phẩm mang tính tuyên truyền mà học sinh trực tiếp thể hiện, chúng tôi hướng đến mục tiêu giúp các em nhận biết được cái đúng, sai của sự việc. Hơn thế, thông qua mỗi tiết học, các em được thầy cô hướng dẫn, giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, giúp tự tin hơn” – thầy Dũng nói.

Thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với các hoạt động tập thể do Liên đội tổ chức thường thu hút được lượng lớn học sinh tham gia. Qua đó, chúng tôi chú trọng đến việc phát huy vai trò của Tổng phụ trách Đội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh”.

Với vai trò là Tổng phụ trách đội của một trường thuộc xã đặc biệt khó khăn, thầy Dũng luôn tự nhủ mình phải có một cách thức hoạt động hay, bổ ích, thiết thực để đưa Liên đội mình phụ trách ngày càng vững mạnh.

“Thông qua hoạt động công tác Đội, tôi thấy, người Tổng phụ trách phải luôn yêu nghề, mến trẻ. Cùng với đó, chịu khó nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội đồng Đội cấp trên tổ chức. Đồng thời, phải biết học hỏi, trau dồi từ đồng nghiệp, bạn bè để tổ chức các hoạt động Đội một cách hiệu quả” - thầy Dũng chia sẻ.

Những hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Những hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Còn theo thầy Nguyễn Duy Long, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng, Tổng phụ trách Đội có vai trò gắn kết lớn giữa học sinh với nhà trường. Có như vậy, người Tổng phụ trách Đội mới có thể tham mưu tốt với đoàn thể trong và ngoài nhà trường để tổ chức có hiệu quả các phong trào do cấp trên đề ra.

“Là người định hướng, tổ chức hoạt động, chúng tôi thường phát huy vai trò của những đội viên lớn tuổi hơn, có ảnh hưởng tốt đến để thu hút các em nhỏ. Như thế, các em sẽ gần gũi, mạnh dạn hơn khi tham ra sinh hoạt cùng anh, chị lớp trên” – thầy Sừng Chóng Tư, Tổng phụ trách Đội trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.