Tạo môi trường đọc ở gia đình

Tạo môi trường đọc ở gia đình

(GD&TĐ) - PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương (Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), nêu một số giải pháp nâng cao kĩ năng đọc cho HS đầu cấp Tiểu học. 

 

Theo những kiến nghị của nhóm khảo sát kỹ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học ở Việt Nam năm 2013, PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương nhấn mạnh rằng: Cần rà soát các hoạt động dạy học đối với phân môn đọc theo hướng chú ý nhiều hơn đến các kĩ năng hiện nay còn yếu và khó đọc như đọc hiểu, nghe hiểu, đọc tiếng tự tạo và kiến thức về tên chữ cái.

Bởi vì đọc hiểu và nghe hiểu là hai kĩ năng quan trọng nhất, là cái đích cuối cùng của hoạt động đọc; Còn khả năng gọi tên chữ cái quan trọng vì kết quả phân tích cho thấy nó có mối quan hệ đồng biến với kết quả phần đọc thành tiếng đoạn văn; Trong khi kết quả phần đọc thành tiếng đoạn văn lại có mối quan hệ đồng biến với kết quả phần đọc hiểu.

Cũng cần xem xét để điều chỉnh chuẩn đối với kĩ năng đọc trơn cho HS cấp Tiểu học vì chuẩn hiện hành tỏ ra khá thấp so với năng lực của đa số HS, ngay cả những vùng còn nhiều khó khăn. Đồng thời, cần nghiên cứu để đề xuất chuẩn cho tất cả các kĩ năng đọc bộ phận khác chưa có trong chương trình...

Đối với nhà trường, cần đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động dạy - học ở các điểm trường lẻ, vì hiện nay kết quả đọc của HS điểm trường lẻ chưa theo kịp kết quả đọc của HS ở điểm trường chính. Ở nơi có nhiều HS dân tộc thiểu số và trình độ tiếng Việt của các em còn kém, nếu điều kiện cho phép, nên khuyến khích sử dụng trợ giảng dân tộc ở các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 1.

Cũng nên khuyến khích GV sử dụng đan xen cả tiếng Việt và tiếng dân tộc trong giảng dạy. Để làm được điều đó, nên tạo điều kiện và khuyến khích các GV người Kinh học tiếng dân tộc thiểu số ở một số địa phương để có thể sử dụng chúng trong giao tiếp với cha mẹ HS và dùng trên lớp học.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tuyên truyền ở trong cộng đồng về năng lực tiếp thu của HS dân tộc thiểu số, về vai trò quan trọng của gia đình đối với việc học hành của con trẻ, để có được sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giúp đỡ các em học tốt hơn.

Kết quả khảo sát cũng đã cho thấy, về phía gia đình, sự đầu tư và quan tâm của gia đình đến việc học hành của trẻ có tác động tích cực đến kết quả đọc của các em. Những HS được đi học mẫu giáo có kết quả đọc ở nhiều kĩ năng tốt hơn các HS không được đi học mẫu giáo, lên lớp 3 sự khác biệt càng thể hiện rõ.

Thêm nữa, theo chuyên gia ngôn ngữ thì để giúp trẻ học tiếng Việt ở nhà, đôi khi phụ huynh chỉ cần lắng nghe những câu chuyện ở trường, thưởng cho trẻ những quyển truyện để khuyến khích trẻ học và tạo điều kiện học tập tốt ở nhà... Đó là những nhân tố giúp trẻ phát triển tốt các kĩ năng đọc ban đầu. Đối với HS dân tộc thiểu số, việc tạo môi trường giao tiếp phong phú bằng tiếng Việt ở nhà góp phần đáng kể vào việc giúp cho trẻ sớm vượt qua rào cản ngôn ngữ và phát triển các kĩ năng đọc ban đầu sớm theo kịp chuẩn chung.

Theo bà Vũ Thị Thanh Hương, có thể xem xét việc sử dụng SGK Tiếng Việt 1, tập 1 Công nghệ GD để dạy lớp 1. Tuy nhiên, quyết định cần rất thận trọng và không nên áp dụng cho lớp học có HS dân tộc thiểu số có trình độ tiếng Việt còn yếu.

Thu Ba

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ