Trường học tại các địa phương đã chủ động phòng chống dịch nhằm tạo “lá chắn” an toàn cho học sinh.
Môi trường học tập an toàn
Những ngày qua, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tiến hành khử khuẩn, phun thuốc diệt muỗi ở tất cả phòng học và khuôn viên trường.
Cô Phó Hiệu trưởng Hà Thị Thủy cho biết, ngành Giáo dục phối hợp ngành Y tế tập huấn, hướng dẫn kỹ về công tác y tế học đường nên nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
“Chuẩn bị đón hơn 1.000 học sinh bán trú, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vệ sinh trường lớp. Trong đó, công tác khử khuẩn, phun thuốc diệt muỗi được ưu tiên nhằm tạo môi trường học tập an toàn cho trò”, cô Thủy nói.
Tương tự, tại Trường Mầm non 10/3 TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) công tác vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi cũng được thực hiện cho toàn bộ khu vực trường học.
Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Yến, bước vào năm học mới cũng là thời điểm giao mùa sẽ gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, tay - chân - miệng. Vì vậy, ban giám hiệu phối hợp với ngành Y tế địa phương chủ động triển khai vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Bảo đảm khi trẻ đến trường luôn trong môi trường sạch sẽ, an toàn.
Bác sĩ Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết: Ngành Giáo dục và Y tế đang khẩn trương triển khai Công văn số 4848/BYT-DP ngày 19/8/2024 của Bộ Y tế gửi Bộ GD&ĐT đề nghị phối hợp chỉ đạo phòng, chống dịch trong mùa tựu trường. Mục tiêu, không để dịch bệnh xảy ra.
Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh từ xa, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập) đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết.
Riêng hóa chất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất luôn bảo đảm phục vụ công tác xử lý ổ bệnh trên địa bàn triệt để, hiệu quả.
Không để lây lan thành dịch
Bước vào năm học mới, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai công tác phòng chống dịch. Đặc biệt tại khu vực ghi nhận trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và địa bàn chưa quản lý tốt việc tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Riêng các địa phương có ca và ổ dịch sốt xuất huyết tăng, như Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Hà và TP Kon Tum, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường thực hiện biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đồng thời tổ chức kiểm tra khuôn viên trường, lớp trên địa bàn bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học, đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhất là thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy.
Bác sĩ Trần Kim Long - Phó phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi phát sinh bọ gậy và muỗi, khiến mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đó, số lượng học sinh, sinh viên bắt đầu nhập học cũng làm tăng nguy cơ người mắc sốt xuất huyết trong thời gian tới. Ngoài sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, ho gà, sởi… cũng có nhiều diễn biến phức tạp.
Bác sĩ Long đặc biệt lưu ý về bệnh tay chân miệng: “Đây là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 - 5 và tháng 8 - 11 hằng năm. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não; viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch…”.
Thực tế, nhiều bệnh nhân mắc tay chân miệng diễn biến rất nhanh, cấp độ nặng dần nếu không được phát hiện, chăm sóc, điều trị kịp thời. Do đó, khi trẻ có các triệu chứng như sốt cao, quấy khóc hơn so với bình thường, chảy nước bọt nhiều, nổi mụn ban, giật mình, đi đứng không vững..., người nhà nên đưa đến cơ sở y tế thăm khám, can thiệp kịp thời.
“Khi học sinh trở lại trường, các đơn vị cần tăng cường vệ sinh trường lớp, khu vực trẻ hay tiếp xúc hằng ngày. Chăm sóc, vệ sinh chân tay, thực hiện ăn sạch, uống sạch, bổ sung dinh dưỡng tăng đề kháng cho trẻ”, bác sĩ Long lưu ý.
Ngành Y tế Đắk Lắk khuyến cáo, để năm học mới 2024 - 2025 diễn ra an toàn, hiệu quả, công tác phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, phụ huynh và ban giám hiệu các nhà trường cần quan tâm bảo đảm việc ăn chín, uống sôi.
Vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi dùng. Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa khử trùng.
Tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ mỗi ngày để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời không để lây lan thành dịch. Thường xuyên cập nhật thông tin bệnh truyền nhiễm từ ngành Y tế và kiến thức, kỹ năng xử lý dịch bệnh, qua đó xây dựng trường học an toàn, giúp trẻ khỏe mạnh, học tập và phát triển tốt.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 18/8, tỉnh ghi nhận trên 1.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 593 trường hợp tay chân miệng; 26 trường hợp ho gà và 26 trường hợp mắc sởi. Còn thông tin từ Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần.