Tạo niềm tin cho học sinh, phụ huynh
Từ năm 2019 đến nay nhờ được thừa hưởng các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trường Tiểu học PTDTBT Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học.
“Nhờ đó đó mà chất lượng giáo dục, học sinh đến trường đầy đủ, phụ huynh cũng nhận ra muốn phát triển quê hương, thoát nghèo thì chỉ có việc học”, cô Phan Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học PTDTBT Tiểu học Dào San chia sẻ.
Cô Xuân cho biết, trước đây mặc dù là trường bán trú thế nhưng tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng khá nhiều. Thầy cô cũng như đội ngũ Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên phải đến tận bản vận động, khuyên nhủ các em đến trường.
Thế nhưng khi có các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đường sá được đầu tư, giảm bớt được khó khăn - nhận thức của người dân cũng thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, người dân thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế.
Cô Xuân nhớ lại: Năm 2019, 2020 sáp nhập trường, trường có hai điểm trường ở rất xa, đặc biệt khó khăn. Hai điểm trường này chủ yếu là người dân tộc Mông Lô Lô và Hà Nhì. Họ không chú trọng vào việc học, quanh năm vượt biên sang Trung Quốc để lao động chui.
Tuy nhiên để thay đổi suy nghĩ, nhận thức của họ, chúng tôi đã tận dụng các cuộc họp của làng bản tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nhờ, già làng, trưởng bản, những người có uy tín đặc biệt là trao đổi giúp người dân hiểu.
Sau nhiều năm kiên trì, từ năm học 2021 trở đi, giờ đây nhiều thầy cô luôn nói vui với nhau gần hết học kỳ mà chưa phải đi vận động học sinh đến trường.
Bên cạnh đó, nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế vì vậy người dân không còn vượt biên ra nước ngoài lao động chui. Nhiều gia đình đã làm giàu được chính trên mảnh đất của mình, có nhà cửa khang trang nên họ chú trọng vào giáo dục nhiều hơn
Đang trò chuyện, cô Xuân nhìn ra sân trường nhớ lại trước đây thời điểm này trước đây nhiều học sinh nghỉ học, phải đi vận động rất nhiều lần các em mới quay lại trường thế nhưng giờ đây nói đến nghỉ học là rất khó. Nhiều em mặc dù ốm vẫn đến trường.
Hay nhiều phụ huynh trước đây cuối tuần con về không muốn lên trường phụ huynh cũng mặc kệ, thầy cô phải đến đón. Tuy nhiên giờ đây, phụ huynh chia sẻ với chúng tôi cho con ở nhà không biết cái gì đâu, phải đến trường để được học cái chữ.
“Đấy là thuận lợi, dấu hiệu đáng mừng khi người dân thay đổi nhận thức, biết chú trọng vào giáo dục. Những thầy cô vùng cao như tôi cũng thấy ấm lòng”, cô Xuân chia sẻ.

Nhà trường là chỗ dựa để học sinh yên tâm học hành
Trường Tiểu học PTDTBT Tiểu học Dào San chủ yếu học sinh là người dân tộc thiểu số, bởi vậy công tác chăm sóc cho học sinh bán trú ăn ở, học tập tại trường rất quan trọng.
Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đầu tư cơ sở vật chất cho trường để học trò và thầy cô có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn.
“Khi phụ huynh đưa con đến trường, nhìn thầy cơ sở khang trang, điện nước, chỗ ăn ở học tập của con tốt họ cũng sẽ an tâm, không còn lo lắng khi con còn nhỏ mà sống xa nhà”, cô Xuân cho biết.
Đồng thời, nhiều năm qua chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được cải thiện, nhiều phong trào, hoạt động thu hút học sinh, phát triển năng lực cho trò cũng được đẩy mạnh nhằm tạo hứng thú, bồi dưỡng những khả năng vượt trội cho học trò.
“Trong các cuộc họp thôn bản chúng tôi cũng xuống tận nơi vận động, chia sẻ về những lợi ích của việc học sinh được đến trường. Đồng thời, đường sá được nhựa hoá, bê tông hoá phục vụ thuận lợi cho người dân đi lại phát triển kinh tế đã tác động rất nhiều đến tư tưởng, suy nghĩ của người dân vì vậy họ có cách nhìn về giáo dục tốt hơn”, cô Phan Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học PTDTBT Tiểu học Dào San chia sẻ.