Chung tay, đồng bộ và trách nhiệm
Bộ GD&ĐT cho biết, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được trong 3 năm qua, chỉ có một số điều chỉnh về kỹ thuật theo hướng ngày càng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả để áp dụng ổn định trong những năm tới.
Kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 24/6 - 27/6 tại tất cả các tỉnh, mỗi tỉnh có một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT điều động. Sau khi có kết quả của kỳ thi, các trường ĐH, CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên triển khai công tác tuyển sinh (gọi chung là tuyển sinh ĐH, CĐSP, TCSP). Công tác tuyển sinh ĐH, CĐSP, TCSP được thực hiện đến hết ngày 31/12/2018.
Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, chính quyền các cấp phối hợp với Sở GD&ĐT chuẩn bị tổ chức kỳ thi.
Trong đó tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2017-2018, tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 trong các cơ sở GD phổ thông của tỉnh. Có kế hoạch hướng dẫn và hỗ trợ để thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển thuận lợi. Đồng thời bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức kỳ thi. Chỉ đạo thực hiện không thu phí dự thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh tham dự kỳ thi tại địa phương.
Cùng với đó, chú trọng công tác vận chuyển, bảo quản đề thi; đảm bảo an ninh trật tư, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp điện nước ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại tất cả các địa điểm thi trong ngày tổ chức thi; bố trí nơi ăn nghỉ hợp lý cho thí sinh và người thân của thí sinh ở xa về dự thi theo hướng tăng cường huy động chỗ nghỉ trọ trong khu dân cư, chỗ trọ giá rẻ hoặc miễn phí, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.
Những lưu ý không thừa với thí sinh
Đối với Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018, thời gian đăng ký dự thi và xét tuyển được triển khai từ ngày 1/4 - 20/4. Đến thời điểm này, lớn thí sinh đã hoàn tất việc đăng ký, chỉ còn tập trung vào hoàn thành chương trình học và đặc biệt là tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.
Trước đo, Bộ GD&ĐT đã cho biết, về cơ bản, quy chế thi và tuyển sinh năm 2018 không có nhiều thay đổi so với năm trước. Tuy vậy, cũng có một số điểm mới, do đó thí sinh cần đặc biệt lưu ý để không xảy ra những sai sót không đáng có.
Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) - đánh giá đây sẽ là một kỳ thi công bằng và sòng phẳng; thí sinh cần chủ động ôn tập kiến thức từ lớp 11 đến lớp 12 và ghi nhớ các mốc thời gian quan trọng, để có tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi sắp tới.
Trước hết, về việc đăng ký dự thi và xét tuyển, dù thời hạn ngày 20/4 đã đến và phần lớn các thí sinh cũng đã hoàn tất thủ tục đăng ký, nhưng PGS.TS Trần Văn Nghĩa khuyên các thí sinh hết sức chú ý, rà soát lại thông tin đã đăng ký một cách cẩn thận.
Từ ngày 20 - 25/4, những em nào còn sai sót thì có quyền được điều chỉnh và trong thời gian này các em không được thay đổi môn thi và đăng ký điểm thi. Đối với thông tin liên quan đến xét tốt nghiệp thì thí sinh được phép điều chỉnh cho đến ngày 25/5. Nếu có sai sót thì một lần nữa, thí sinh sẽ được điều chỉnh trước ngày thi (ngày làm thủ tục thi), trừ điều chỉnh môn thi, điểm thi và nguyện vọng xét tuyển.
Sau ngày 11/7, thí sinh sẽ biết điểm thi và sau ngày 18/7, các em biết được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành Sư phạm. Sau khi biết điểm thi, thí sinh được phép điều chỉnh một lần nguyện vọng xét tuyển của mình và điều chỉnh bằng 2 phương thức: Điều chỉnh bằng trực tuyến trong khoảng thời gian từ 19/7 đến hết 28/7. Từ ngày 28/7 đến hết 30/7, các em được điều chỉnh sai sót một lần nữa dù đã hoàn tất thủ tục đăng ký; cách thức điều chỉnh có thể bằng phiếu rồi nộp tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, tức là các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Một mốc thời gian quan trọng khác cần lưu ý, đó là thời điểm các thí sinh biết được kết quả xét tuyển đợt 1 tức là sau ngày 6/8. Trong thời gian từ 6/8 đến 12/8, các em phải đến xác nhận việc học vào trường bằng cách nộp phiếu điểm vào trường đó. Nếu em nào không nộp thì nhà trường không gọi và coi như không xác nhận việc học.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng nêu rõ: Từ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã sớm công bố đề thi của Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có cả nội dung kiến thức lớp 11 và lớp 12. Như vậy, trước đó các em học lớp 11 (nay là HS lớp 12) đã biết được điều này từ rất sớm và sẽ chủ động học tập, hệ thống hóa kiến thức từ trước chứ không phải bây giờ mới biết và bắt tay vào việc học. Do đó, các phụ huynh có thể yên tâm rằng trong quá trình dạy học và ôn tập cho HS, giáo viên đã rất chú ý tới nội dung chương trình theo yêu cầu của kỳ thi.
Một điểm nữa các thí sinh cũng hoàn toàn biết trước, đó là cấu trúc đề thi năm nay hoàn toàn giống năm 2017. Tức là có khoảng 50 - 60% kiến thức cơ bản và các em hoàn toàn có thể đỗ tốt nghiệp. Đồng thời đủ điều kiện để xét tuyển vào các ngành nghề của các trường ĐH, CĐ.
“Tất nhiên, đề thi cũng sẽ có cả các câu hỏi thuộc phần kiến thức nâng cao dành cho những thí sinh giỏi, xuất sắc. Vấn đề đặt ra các em sẽ tham dự một kỳ thi công bằng và rất sòng phẳng. Tức là nếu đề khó thì tất cả sẽ cùng khó, còn nếu đề thi dễ thì tất cả thí sinh đều dễ có điểm” - PGS.TS Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.
Khi trong phòng thi, các em cần đặc biệt lưu ý đó là: Chỉ được phép mang vào phòng thi những vật dụng vào phòng thi theo quy chế. Chẳng hạn như: Bút chì, bút mực, thước.... Đối với máy tính, các em chỉ được mang máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.Các em cần nghiên cứu kỹ về quy định của Bộ GD&ĐT về những loại máy tính được mang vào phòng thi.
Đặc biệt, các em phải lưu ý, đó là tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào phòng. Đây là lỗi mà năm nào các em cũng mắc phải, và hàng năm có hàng trăm thí sinh vi phạm lỗi này. Vì thế, các em hết sức lưu ý để không phải lỡ dở kỳ thi chỉ vì lỗi không đáng có này. PGS.TS Trần Văn Nghĩa