Ngày 15/3, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) nhằm nắm nắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2010-2017.
Theo báo cáo, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn được thành lập vào năm 2009; đến năm 2013, được chuyển đổi thành mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú với 2 cấp học THCS và THPT. Toàn trường hiện có 11 lớp với 356 học sinh.
Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua điều kiện ăn ở, sinh hoạt của học sinh được nâng cao rõ nét; chất lượng học tập ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, học sinh toàn trường đã thụ hưởng được hơn 31 tỷ đồng tiền trợ cấp từ chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người học theo Thông tư liên tịch số 109 của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT (trong đó, chế độ học bổng cho học sinh gần 26 tỷ đồng và các chế độ hỗ trợ khác gần 5 tỷ đồng).
Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường cũng đã được thụ hưởng các chế độ ưu tiên theo các Nghị định 61 và 19 của Chính phủ; chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS cũng được quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên và học sinh tham gia mở lớp học tập…
Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn kiến nghị Quốc hội cần quan tâm đến chế độ hưởng thụ cấp trách nhiệm 0.3 theo Điều 6 (Chương II) của Nghị định 61 đối với đội ngũ nhân viên đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú; đồng thời kiến nghị Chính phủ cần nâng mức và tần suất hỗ trợ cho học sinh theo Thông tư liên tịch số 109.
Kết luận tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác giáo dục, chăm lo cho con em đồng bào DTTS tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn.
Đồng thời nhấn mạnh, mô hình trường dân tộc nội trú là mô hình đem lại hiệu quả, tạo điều kiện để con em miền núi có cơ hội học tập, rèn luyện và nâng cao dân trí. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục duy trì, đảm bảo quyền lợi cho con em đồng bào DTTS.
Đồng chí Hà Ngọc Chiến đề nghị tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện trong việc hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạng mục trường học đồng bộ, đáp ứng với nhu cầu dạy và học của thầy cô giáo và học sinh miền núi trong tỉnh.
“Liên quan đến những kiến nghị của nhà trường, chúng tôi tiếp thu, ghi nhận. Trên cơ sở đó, sẽ trình lên Quốc hội để tiếp tục có những bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn chỉnh các chế độ chính sách trong công tác giáo dục cho con em đồng bào DTTS” - đồng chí Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.