(GD&TĐ) - Tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động, đặc biệt là lao động nữ là vấn đề đang được đề cập khá nhiều hiện nay. Với rất nhiều luồng ý kiến trái chiều, tăng hay giảm, nếu tăng thì thế nào là hợp lý… câu trả lời dường như vẫn còn bỏ ngỏ! Theo thống kê của Liên Hợp Quốc về độ chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ ở 142 nước trên thế giới 51 nước có tuổi nghỉ hưu của nữ ít hơn 5 năm so với nam giới. Việt Nam nằm trong số này. 91 nước còn lại tuổi nghỉ hưu là ngang nhau. Các khảo sát khác cho thấy các nước càng phát triển thì tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ càng gần nhau.
Ảnh minh họa/internet |
Còn theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chung là 53,2 tuổi, trong đó nam là 55,1 tuổi, nữ là 51,6 tuổi, thấp hơn nhiều so với tuổi nghỉ hưu luật pháp quy định. Trong khi đó do điều kiện sống tốt hơn, tuổi thọ kéo dài: Nếu như năm 1995 tuổi thọ trung bình chỉ là 65,2 tuổi thì tới năm 2012 đã tăng lên 72 tuổi. Như vậy người lao động đã có khoảng thời gian nghỉ hưu nhiều hơn, tốt hơn.
Tuy nhiên, đây lại được cho là một trong những nguyên dẫn đến khả năng mất cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong tương lai. Nghỉ hưu trước 5 năm, trong khi tuổi thọ bình quân hơn nam khoảng 3 năm đã tạo ra chênh lệch trong việc thực hiện chính sách giữa nam và nữ…
Có ý kiến cho rằng cần tăng tuổi nghỉ hưu lao động nữ, qua đó khai thác thêm sức lao động, đặc biệt là trí thức, góp phần giảm gánh nặng chi trả của quỹ lương hưu trí. Tuy nhiên luồng ý kiến đại diện cho khu vực lao động nặng nhọc, độc hại, sản xuất trực tiếp lại có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm hơn so với quy định hiện nay vì những lý do sức khỏe do yêu cầu công việc, ở độ tuổi ngoài 50 khó đảm bảo độ nhanh nhẹn, chính xác, các công việc đòi hỏi áp lực lớn.
Lâu nay việc kéo dài tuổi nghỉ hưu thường chỉ áp dụng với những cán bộ quản lý cấp cao, nghiên cứu có học hàm học vị gây ra những dị nghị về “lợi ích nhóm”. Ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ tăng thu giúp tránh vỡ quỹ BHXH cũng chưa thỏa đáng bởi nếu có thu thêm được vài năm cũng chẳng thấm vào đâu so với số chi trả… Theo ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, số HSSV được đào tạo cơ bản, có trình độ ngày càng nhiều… sự lãng phí sẽ lớn nếu họ không có hoặc không được làm đúng chuyên môn. Còn ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam thì cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm “chùn” sự nỗ lực phấn đấu của những người trẻ… Nếu kéo dài thời gian làm việc thì chỉ nên để họ làm công tác chuyên môn chứ không làm công tác quản lý. Một số cán bộ nữ có trình độ chuyên môn từng đảm nhiệm công tác quản lý ngoài tuổi 50 thừa nhận giảm sút khả năng làm việc, trong khi một số khác lại vẫn thể hiện được năng lực công tác không thua kém so với nam giới cùng tuổi tác.
Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa thể nghiêng về phương án nào. Đây là vấn đề nhạy cảm và khó. Được Chính phủ giao chuẩn bị nghị định này, Bộ đang rất thận trọng mở rộng thông tin, xin ý kiến hai chiều.
Anh Quang