Tăng trưởng xuất khẩu đang dần cán đích

GD&TĐ - Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là sẽ kết thúc năm 2017, nhưng đến thời điểm này, xuất khẩu (XK) vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những động lực chính của nền kinh tế với mức tăng trưởng rất ổn định. Dự báo, kim ngạch XK năm 2017 sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong bối cảnh hoạt động này đang có nhiều tín hiệu tích cực.  

Tăng trưởng xuất khẩu đang dần cán đích

Tiếp tục đà tăng trưởng

Công bố mới đây của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến cuối tháng 8 tình hình XK của Việt Nam diễn biến tích cực, với kim ngạch XK toàn thị trường đạt khoảng 250 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK đạt xấp xỉ 124 tỷ USD - tăng gần 19%; NK đạt gần 126,4 tỷ USD - tăng gần 22,3%. Trong đó, nhiều mặt hàng XK đang có theo hướng tăng tốc cả về số lượng và giá bán, đặc biệt là nhóm hàng nhiên liệu, nông sản, công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản...

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK hàng hoá tiếp tục gia tăng cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này với sự phát triển của nền kinh tế, là đầu ra tương đối ổn định cho sản xuất trong nước. Đáng ghi nhận, đến nay đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK hơn 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD.

Đến nay, hàng hoá của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN... hàng hoá Việt cũng bước đầu XK thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh... Cụ thể, xơ sợi XK tăng mạnh ở 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc, đạt kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp (DN) Việt có lợi thế hơn hẳn DN các nước Ấn Độ, Pakistan ở mặt hàng này nhờ ưu đãi thuế. Sợi xuất xứ Việt Nam XK sang Trung Quốc được hưởng thuế suất 0%, trong khi 2 đối thủ trực tiếp là Ấn Độ và Pakistan chịu mức 3 - 5%.

Còn nhiều việc phải làm

Tiềm năng tăng trưởng kim ngạch XK thời gian tới dự kiến sẽ còn rất dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sở hữu rất nhiều loại hàng hoá có thế mạnh và ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng như: Nông, thuỷ sản, điện thoại, hàng dệt may... Quan trọng là các DN XK kịp chuyển mình, nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường.

Đơn cử, xét về cơ cấu thị trường, Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị thế là thị trường lớn nhất của hàng Việt. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất đối với XK của Việt Nam sang thị trường này chính là xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Điển hình như các quy định về dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo, quy định kiểm tra hoá chất, kháng sinh đối với thuỷ sản hay chương trình thanh tra cá da trơn đã tác động không nhỏ đến XK nông, thuỷ sản của Việt Nam thời gian qua. Do vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo, về lâu dài, cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK tại thị trường này.

ASEAN và Trung Quốc cũng được nhận định sẽ tiếp tục là những thị trường XK chủ lực của nước ta. Trong khi Trung Quốc nhập khẩu tương đối nhiều hàng hoá của nước ta thì XK vào ASEAN khó khăn hơn bởi sự tương đồng về cơ cấu hàng hoá XK. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, DN Việt Nam cần tập trung năng lực sản xuất và chế biến tinh, nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả để thâm nhập mạnh hơn vào các khu vực thị trường này, qua đó khai thác triệt để lợi thế về khoảng cách địa lý, tiết giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng... Riêng đối với một số thị trường quan trọng khác, như: Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, các chuyên gia cho rằng, các nhà XK cần bảo đảm chất lượng hàng hoá, nhất là sự an toàn cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân giúp bức tranh XK mang màu sắc tươi sáng là sự đổi mới của công tác xúc tiến, mở rộng thị trường. Bởi thời gian qua công tác xúc tiến thương mại luôn đổi mới theo hướng không chỉ dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước, mà còn đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức xúc tiến thương mại bên ngoài cùng tham gia...

Để đạt mục tiêu XK cả năm 2017, theo các chuyên gia, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phòng vệ thương mại. Đồng thời tập trung bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và có các giải pháp điều hành phù hợp với tình hình thị trường. Bởi trong xu thế bảo hộ như hiện nay, nhiều quốc gia đang gia tăng các hàng rào kỹ thuật đối với tất cả các sản phẩm của Việt Nam. Do đó việc hỗ trợ cho các DN trong nước vượt qua những hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn, đóng vai trò quan trọng giúp việc XK hàng hoá có thể tăng trưởng mạnh hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.