Tuổi trẻ và tiếng gọi của non sông
Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên) được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 18/7/1966 của Hội đồng Chính phủ. Ra đời giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, thầy và trò nhà trường đã cùng với Nhân dân, chiến sĩ cả nước đồng lòng góp sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian lao, anh dũng.
Trong giai đoạn cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ 1970 đến 1975 nhà trường đã tham gia 7 đợt tuyển quân, với tổng cộng trên 400 cán bộ giảng viên và sinh viên được nhập ngũ.

Theo tiếng gọi của non sông, những cán bộ, giảng viên tuổi đang còn trẻ, nhiều sinh viên mới bước vào giảng đường đại học, có sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, tất cả đều tạm gác việc sách vở để cầm súng ra trận.
Ở độ tuổi nghỉ hưu, cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị những năm 1972 Lê Kim Hà (cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc; nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn, Trưởng Phòng Quản trị, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên) vẫn nhớ như in những câu chuyện đã diễn ra từ hơn nửa thế kỷ trước.

Thầy Lê Kim Hà xúc động chia sẻ, tháng 12/1971, khi đang là sinh viên năm thứ 3, vừa tròn 20 tuổi, nhận quyết định nhập ngũ.
"Cả khoa Văn đợt đó có hơn 10 người, thì lớp tôi có 3 người được tuyển. Chúng tôi được huấn luyện tại Tân Yên, Bắc Giang, đến 7/1972 thì bắt đầu lên đường ra trận, biên chế vào Trung đoàn 36, thuộc Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong anh hùng.
Dù hiểu rằng chiến trường vô cùng khốc liệt, nhưng lính sinh viên ra trận hừng hực khí thế, không một chút đắn đo do dự. Chúng tôi cùng nhau hát trên tàu từ ga Lương Sơn vào đến ga Vinh”, thầy Lê Kim Hà hào sảng kể lại.
Tinh thần trao truyền qua từng thế hệ
Lần theo ký ức 50 năm về trước, thầy Lê Kim Hà không khỏi bùi ngùi khi nhớ về đồng đội những tháng ngày bom đạn, những người đã nằm lại chiến trường ở tuổi đôi mươi. Trong số hơn 400 cán bộ, giảng viên, sinh viên cầm súng ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã có 37 liệt sỹ hy sinh.
Trong câu chuyện của người cựu chiến binh 73 tuổi, từng cái tên, từng trận đánh vẫn hiện về trong hồi ức.
"Chỉ trong tháng 8/1972, tôi phải chứng kiến bom đạn cướp đi hai người bạn học, anh Hoàng Văn Nghị hi sinh trong trận vượt sông Cam Lộ, anh Vũ Ngọc Long hi sinh trong trận bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Cả Đại đội có 120 người ra trận, lúc trở về chỉ còn lại được 19 người", thầy Lê Kim Hà nói.

Chiến trận là thử thách tàn khốc, nhưng cũng là những trải nghiệm ý nghĩa. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng oanh liệt ấy, thầy Lê Kim Hà rưng rưng nhắc lại: "Năm 1972, dưới mưa bom bão đạn Quảng Trị, Chính trị viên trưởng của Đại đội tuyên bố tôi đủ điều kiện kết nạp Đảng; đến năm 1973, sau khi hoàn tất các thủ tục, tôi chính thức được kết nạp Đảng, xúc động khôn cùng".
Được tiếp thêm nguồn động lực và sức mạnh từ chiến trường, may mắn trở về sau toàn thắng 1975, theo chỉ thị Liên Bộ Quốc phòng - Giáo dục - Đại học, tất cả sinh viên nhập ngũ được trở về trường tiếp tục học tập. Họ đã phát huy bản lĩnh của người lính trận để tiếp tục trưởng thành, cống hiến trong nhiều lĩnh vực từ giảng viên, bác sĩ, nhà quản lí…
“Cuộc đời tôi có 2 điều may mắn lớn nhất: Được cầm súng ra trận để trở thành một người lính, được học tập công tác ở trường Sư phạm để trở thành một người thầy” - người thầy giáo cựu chiến binh nói trong xúc động, tự hào.
Tinh thần của thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên cầm súng ra trận những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn luôn được khắc ghi, trao truyền qua từng thế hệ hôm nay, trở thành một nguồn sức mạnh truyền thống để nhà trường không ngừng nỗ lực, phát triển.
“Những hoạt động tìm hiểu truyền thống lịch sử, công tác đền ơn đáp nghĩa và thăm hỏi tặng quà gia đình chính sách được duy trì, đã phát huy ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ chúng tôi”, thầy giáo Đinh Đức Hợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên bày tỏ.