Tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 diễn ra vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, một trong những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát; tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự với người vi phạm.

Ông Trí viện dẫn, kinh nghiệm của Trung Quốc là khi phát hiện vi phạm của cơ quan hành chính, viện kiểm sát sẽ kiến nghị khắc phục. Nếu cơ quan nào không khắc phục thì viện kiểm sát khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa phán quyết.

Nước ta cũng nên tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, tạo điều kiện cho người sai phạm khắc phục hậu quả. Cách làm này sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý, đồng thời cũng không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình - ông Trí nhấn mạnh.

Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có chuyển biến tích cực.

Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, số tài sản thu hồi còn thấp hơn so với tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X nêu rõ: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng.

Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh, áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tiếp đó, ngày 2/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc 7 nhiệm vụ, giải pháp, nhiệm vụ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này...

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã thể hiện rõ quan điểm chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng...

Thực tế, cùng với ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn với nguyên tắc “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, vấn đề thu hồi tài sản thất thoát là một trong những trọng tâm, mục tiêu chính. Và để thực hiện được điều này, trước tiên cần luật hóa, hoàn thiện hơn các biện pháp tư pháp.

Đặc biệt, như trong diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua thì phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.