Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Luật số 43/2019/QH14 về Luật Giáo dục (Luật Giáo dục năm 2019), quy định: SGK triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức SGK không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.
Để thực hiện chương trình, quản lý và kiểm soát chất lượng SGK, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGD&ĐT ngày 22/12/2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Theo đó, các SGK được biên soạn, thẩm định và phê duyệt phải bảo đảm các yêu cầu cần đạt theo chương trình với từng môn học, lớp học. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK được thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan để thẩm định SGK với quy trình độc lập, khoa học, chặt chẽ trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong các trường học.
Để hướng dẫn các địa phương, nhà trường thực hiện lựa chọn SGK theo đúng quy định, bảo đảm tính minh bạch, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGD&ĐT ngày 30/1/2020 và Thông tư số 25/2020/TT-BGD&ĐT ngày 26/8/2020 hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trong đó quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn SGK, tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn SGK, tổ chức lựa chọn SGK; trách nhiệm của Ủy ban nhân các cấp, cơ sở giáo dục phổ thông để địa phương tổ chức thực hiện lựa chọn SGK phù hợp.