Theo đó, nhiệm vụ chung là tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 và đề án Xóa mù chữ đến năm 2020” đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập; tăng cường quản lý đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học; đổi mới công tác quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trung tâm GDTX.
Đa dạng hóa các chương trình, nội dung và hình thức tổ chức dạy học, chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn thiết thực và hiệu quả để thu hút nhiều người đến học tại các cơ sở GDTX; tiếp tục mở rộng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, góp phần phân luồng học sinh sau THCS; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực người học.
Ngoài ra, trong năm học 2018-2019, GDTX sẽ tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong dạy học; chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về chuyên môn, về đạo đức nhà giáo; thực hiện đánh giá khách quan, công bằng, tạo động lực thi đua trong dạy, học và rèn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và công tác chuyên môn tại các cơ sở GDTX. Cập nhật số liệu vào hệ thống EMIS theo hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT đúng tiến độ và chính xác. Khai thác và sử dụng thống nhất bộ số liệu về: trung tâm, lớp, học viên, giáo viên,... toàn ngành và trong báo cáo các cấp.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc Thông tư số 04/2014/TT- BGDĐT về việc quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Xây dựng, lựa chọn và triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng sống phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể của từng địa phương; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học nhằm thu hút nhiều người học, góp phần hình thành, phát triển những kỹ năng sống, giá trị sống cơ bản, cần thiết cho học sinh, sinh viên và người dân trong cộng đồng...