Theo Sở GD&ĐT An Giang, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; Tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương tổ chức tiêm ngừa vắc xin ngừa Covid-19, nâng tỷ lệ tiêm mũi 2, mũi 3 đối với học sinh và mũi 3, mũi 4 đối với giáo viên, nhân viên theo kế hoạch tiêm chủng của địa phương.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục tổ chức quét dọn, vệ sinh nơi ở, bếp ăn, không để xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng, đậu mùa khỉ và phòng, chống các dịch bệnh khác; phối hợp với ngành y tế địa phương phun xịt thuốc diệt khuẩn, làm tốt khâu tuyên truyền đến từng giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Cơ sở giáo dục phải liên tục rà soát, tổng hợp theo từng nhóm đối tượng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng và lập danh sách gửi đến cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn, tư vấn tham gia đăng ký tiêm ngừa.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; các chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, của ngành Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ: giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; phối hợp với ngành Y tế chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong các cơ sở giáo dục.
Song song đó, các cơ sở giáo dục phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương, ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tay chân miệng trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, xử lý ổ dịch kịp thời theo chỉ định của ngành Y tế khi có phát sinh.
Vận động phụ huynh học sinh thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Ngoài ra, nhà trường hướng dẫn cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ;
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm qua nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày;
Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng;
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc báo cáo bắt buộc, đầy đủ, kịp thời, đúng hạn về tình hình học sinh, học viên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 theo quy định.