Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, nguyên nhân chậm kết luận thanh tra có yếu tố chủ quan. Ngoài ra, do nhiều cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ chậm ra kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này, dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết luận thanh tra của 13 cuộc. Thanh tra Chính phủ sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022.
Về vấn đề tập trung quyền lực trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện tại Thanh tra Chính phủ đang thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Trong lần sửa đổi Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước. Qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này. Các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.
Về giải pháp cho vấn đề trên, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra.
Đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. |
Về vấn đề bảo đảm liêm chính trong đội ngũ ngành thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, đây là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đạo đức công vụ thanh tra. Tổng Thanh tra cho rằng: hiện hàng lang pháp luật đang dần hoàn thiện để có cơ sở giám sát hoạt động đoàn thanh tra, hạn chế tình trạng vi phạm về đạo đức công vụ. Tới đây Luật Thanh tra sửa đổi sẽ quy định rõ hơn; rà soát và thực hiện quy chế ứng xử; phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, thời gian qua có một số kết luận thanh tra chưa đúng bản chất. Nguyên nhân chủ quan là do ý thức chấp hành kỷ luật của đoàn thanh tra chưa cao. Năng lực trình độ một số cán bộ còn kém; cơ chế chính sách còn bất cập.
Bên cạnh đó, lãnh đạo của cơ quan thanh tra với đoàn thanh tra chưa quyết liệt; giám sát và thẩm định kết quả thanh tra còn hạn chế. Cần thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để nâng cao trình độ chuyên môn, siết chặt việc chấp hành kỷ luật, sửa đổi những cơ chế còn bất cập để giải quyết tình trạng này.
Về tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, vẫn còn có những vụ việc tiêu cực xảy ra, nhất là xoay quanh lĩnh vực đất đai như: đầu tư xây dựng có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thủ tục hải quan, cấp phép khai thác khoáng sản.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Tổng Thanh tra cho rằng, cần thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, tăng cường kiểm tra giám sát phát hiện xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.
Về vấn đề nhiều khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, nghiên cứu rà soát bất cập trong quy định để sửa đổi, chấn chỉnh công tác quy hoạch; hoàn thiện hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu về đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong quản lý đất đai để xử lý nghiêm các vi phạm.