Tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động giáo dục đào tạo để đảm bảo chất lượng

Tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động giáo dục đào tạo để đảm bảo chất lượng

(GD&TĐ) - Với GD đại học, năm học 2011 vừa khép lại với nhiều sự kiện đáng nhớ: thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; năm học thứ hai thực hiện Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với GD đại học, Chỉ thị số 296/2010/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý GD ĐH giai đoạn 2010 – 2012. Đặc biệt, vào tháng cuối cùng của năm, thông tin về việc Bộ công bố đình chỉ tuyển sinh 3 trường ĐH, CĐ và 12 ngành đào tạo đã tạo nên một luồng gió mới trong công tác thanh tra, kiểm tra. Xung quanh sự kiện này, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT.  

P.V: Thưa GS, trong những tháng cuối năm 2011, Bộ GD&ĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đã quyết định xử lý các vi phạm của một số trường đại học, cao đẳng, một số cơ sở đào tạo. Xuất phát từ đâu, có đợt thanh tra, kiểm tra này? Đợt thanh tra đã được lên kế hoạch từ trước, hay xuất phát từ một số sự cố do báo chí phát hiện? 
GS TS.KH Bùi Văn Ga-Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
GS TS.KH Bùi Văn Ga-Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
GS TS.KH Bùi Văn Ga-Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Đợt thanh tra, kiểm tra các trường ĐH, CĐ vừa qua đã thực hiện theo đúng tinh thần nội dung của Nghị quyết 50/2010/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2010 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Thực hiện Nghị quyết này, ngày 31-12-2010, Bộ Giáo dục và Đà tạo đã có công văn số 8794/BGDĐT-GDĐH gửi tất cả các trường Đại học, Cao đẳng yêu cầu đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp thực hiện các nội dung dự án đã được phê duyệt khi quyết định thành lập trường. Công văn cũng nêu rõ Bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện cam kết đảm bảo chất lượng trong năm 2011. Vì vậy đợt thanh tra, kiểm tra vừa qua nằm trong kế hoạch đã xác định từ cách đây hơn 1 năm.
P.V: Trong quý 4 năm 2011, Thanh tra Bộ kiểm tra 24 trường Đại học, cao đẳng, đã phát hiện và xử lý khá nhiều sai phạm. Bộ đã chọn các trường này một cách ngẫu nhiên, hay dựa vào tiêu chí nào để chọn, thưa GS?
GS TS.KH Bùi Văn Ga: Trong danh sách các trường đại học, cao đẳng thành lập mới hay nâng cấp từ năm 1998 đến nay, Bộ chọn ra một số trường để kiểm tra đợt đầu tiên. Trong số 24 trường kiểm tra đọt này gồm các trường công lập và ngoài công lập, có trường đại học và trường cao đẳng. Dựa trên báo cáo các trường gửi về Bộ theo tinh thần công văn số 8794/BGDĐT-GDĐH, Thanh tra Bộ đã chọn một số trường tốt, một số trường trung bình, một số trường yếu về cơ sở vật chất và đội ngũ để kiểm tra. Dựa trên phân tích kết quả kiểm tra các trường đợt đầu tiên này, sắp tới Bộ sẽ lựa chọn danh sách những trường ưu tiên kiểm tra trước, tiến tới kiểm tra toàn bộ các trường thành lập từ 1998 đến nay. 
P.V: Xin GS cho biết, "Chiến dịch thanh tra" vừa qua có nằm trong chương trình hành động của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam" hay không?
GS TS.KH Bùi Văn Ga: Đợt kiểm tra này vừa thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII, vừa đồng thời thực hiện chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác quản lý và Nghị quyết 05 của Bộ GD&ĐT. Với mục tiêu đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, đưa hệ thống giáo dục đại học vào nề nếp. Thống kê cho thấy trong những năm gần đây, số lượng trường tăng, qui mô sinh viên cũng tăng nhưng số lượng giảng viên không tăng tương ứng. Rõ ràng có một số trường mới thành lập không thực hiện cam kết tuyển đủ giảng viên cơ hữu mà chỉ dựa vào lực lượng giảng viên thỉnh giảng. Điều này không những ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của những trường mới thành lập mà còn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của những trường đã có truyền thống do giáo viên phải đi dạy thỉnh giảng nhiều, không còn thời gian nghiên cứu khoa học. Mặt khác, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, cơ sở vật chất của nhiều trường không được phát triển như đã cam kết trong dự án thành lập trường. Qua đợt kiểm tra này, Bộ sẽ chấn chỉnh những mặt còn hạn chế để các trường khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
P.V: Các trường bị đình chỉ tuyển sinh lần này phải có những điều kiện gì để có thể tuyển sinh trở lại, thưa
 GS?
GS TS.KH Bùi Văn Ga: Qua đợt kiểm tra vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã có quyết định đình chỉ tuyển sinh một số trường và một số ngành của các trường khác chủ yếu là qui mô vượt quá xa so với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ để đảm bảo chất lượng. Việc dừng tuyển sinh là để các trường có thời gian cũng cố lại lực lượng và cơ sỏ vật chất theo các qui định hiện hành. Các trường bị đình chỉ tuyển sinh đợt này trên thực tế là những trường đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu của mình nên đã thu hút nhiều sinh viên đến học. Quyết định đình chỉ tuyển sinh là do các trường thiếu điều kiện đảm bảo hoạt động chứ không phải do vi phạm nguyên tắc hay pháp luật. Vì vậy nếu các trường này sớm khắc phục nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh thì Bộ sẽ xem xét cho tuyển sinh trở lại. Khi đó chắc chắn chất lượng đào tạo của các trường sẽ được nâng cao và uy tín của nhà trường sẽ được tăng cường.
Giảng đường (ảnh minh họa: Internet)
Giảng đường (ảnh minh họa: Internet)
P.V: Quyết định xử lý sai phạm của các trường vừa qua phải chăng là bước đột phá quyết liệt trong công tác thanh tra của Bộ GD-ĐT, thưa GS? 
GS TS.KH Bùi Văn Ga: Những điều kiện đảm bảo chất lượng mà đoàn thanh tra dựa vào đó để kiểm tra các trường đợt này đã có từ lâu, không phải là mới qui định. Có điều là lâu nay các trường thực hiện chưa nghiêm. Không có qui định nào cho phép các trường tăng qui mô đến mức 70-80 sinh viên/giảng viên cơ hữu. Cũng không có qui định nào cho phép ngành đào tạo đại học mà tất cả giảng viên chỉ có trình độ đại học. Rõ ràng đợt kiểm tra này là nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong dục đại học, chấn chỉnh những lệch lạc, đưa hoạt động của các trường vào nề nếp. Chúng ta không thể chạy theo số lượng mà quên đi các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng đã xác định đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá mang tính chiến lược để phát triển đất nước trong những năm sắp tới. Vì vậy việc kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo là việc làm thường xuyên trong toàn ngành.
PV: Được biết từ năm 2012, Bộ sẽ giao quyền tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở GDĐH. Như vậy, Bộ có đề ra khâu giám sát việc thực hiện hay không trong năm 2012 và các năm tiếp đến?
GS TS.KH Bùi Văn Ga: Thông tư 57 quy định giao quyền tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường là một chủ trương hết sức tiến bộ của Bộ GD&ĐT. Trước đây Bộ quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường dựa vào các số liệu các trường kê khai. Nay dựa vào những tiêu chí qui định, các trường tự xác định chỉ tiêu, báo cáo về bộ để theo dõi, kiểm tra. Các trường tự chịu trách nhiệm về độ chính xác của dữ liệu. Nếu xác định chỉ tiêu không đúng, người đứng đầu nhà trường sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Khi thực hiện thông tư 57, Bộ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành thanh kiểm tra thường xuyên các trường theo sự phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục qui định tại Nghị định 115 của Chính phủ. Bởi vậy, khi giao quyền tự chủ cho các trường thì đồng thời cũng tăng tính tự chịu trách nhiệm của các trường. Bộ giữ đúng vai trò quản lý nhà nước của mình là kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui định của các trường.
P.V: Xin cảm ơn và chúc GS ngày càng có nhiều cống hiến cho xã hội hơn nữa!
Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.