Tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trên các lĩnh vực

Tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trên các lĩnh vực
(GD&TĐ)- Ngày 8/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị cấp cao về các giải pháp thúc đẩy thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân-Chủ tịch UBQG Vì sự tiến bộ phụ nữ VN chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đề cập nội dung dự thảo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020. 
Tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trên các lĩnh vực ảnh 1
Theo đánh giá sơ bộ về kết quả 10 năm thực hiện Mục tiêu 4 về tăng tỷ lệ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo của Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 cho thấy: 100% các chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra và một số chỉ tiêu giảm so với gia đoạn trước. 
Cụ thể: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kì 2006- 2011 đạt 25.76%, giảm so với nhiệm kì 2001-2005 là 27.63%. Với 1 trên 24 Bộ trưởng là nữ, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 89/ 93 nước xếp hạng của liên minh nghị viện Thế giới. Như vậy, cũng như nhiều quốc gia khác, bất bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và là rào cản đối với sự tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. 
Dự thảo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đã đề cập mục tiêu đến năm 2020 là: về cơ bản đảm bảo cơ hội năng lực tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, góp phần tích cực vào phát triển bền vững của đất nước. 
Chỉ tiêu đến năm 2020: tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới tính trong lĩnh vực chính trị trong đó tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kì 2016- 2020 đạt từ 25% trở lên; Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động, trong đó nhấn mạnh tăng tỷ lệ nữ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kĩ thuật lên 50 %; nâng cao chất lượng nguồn lao động nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đặc biệt, cần tạo ra những ưu đãi, bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó giảm tỷ lệ phá thai trong năm 2020 xuống 5% trong tổng số ca phá thai…
Khoảng cách giới bắt nguồn từ nhận thức còn hạn chế của cán bộ và người dân. Do vậy, công tác nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến và quan niệm giới truyền thống là điểm khởi đầu quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng giới của đời sống xã hội. Theo đó, việc giải quyết bất bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới sẽ là điều kiện đầu tiên để thúc đẩy bình đẳng giới ở cộng đồng và xã hội.
Đinh Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.