GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết: Với 3.100 hội viên, trong đó 70% hội viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên và rất nhiều GS, PGS, TS, Hội NTTVN có rất nhiều cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế xã hội nước nhà. Nhiều chị cũng đã có bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích…
Tuy nhiên, còn rất nhiều chị chưa phát huy được tài nguyên trí tuệ của mình một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là thông qua việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Và hội thảo lần này là một cơ hội để kết nối trí tuệ với SHTT, kết nối chặt chẽ hơn giữa cơ quan Cục SHTT và Hội Nữ trí thức Việt Nam.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu phát biểu tại Hội thảo |
TS Hà Nguyệt Thu (Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo, Cục SHTT) chia sẻ: Chiến dịch kỷ niệm IP Day năm nay tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và can đảm của phụ nữ - những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai chung của chúng ta. Tài nguyên trí tuệ của chị em là rất dồi dào, và những sản phẩm trí tuệ do chị em sáng tạo ra cũng có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế tri thức.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết tầm quan trọng của SHTT với phát triển xã hội, với việc thương mại hóa sản phẩm trí tuệ; muốn quyền SHTT được bảo hộ thì cần làm những gì, khi nào, ở đâu, với ai và như thế nào? Quyền, lợi ích và nghĩa vụ của chủ SHTT là gì? Giới hạn không gian và thời gian của quyền SHTT?
Tại hội thảo này, nhiều câu hỏi của các nữ trí thức về SHTT và bảo hộ quyền SHTT đã được TS Nguyệt Thu và các lãnh đạo Cục SHTT giải đáp.
PGS.TS Lê Mai Hương - Viện các hợp chất thiên nhiên - chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT |
Bên cạnh đó, các nhà khoa học nữ đã từng đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm khoa học của mình cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, những bài học thành công và thất bại trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT: PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Học viện Nông nghiệp VN), PGS.TS Lê Mai Hương (Viện các hợp chất thiên nhiên), PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh (Trường ĐHKHTN)…
Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra đối với việc thúc đẩy tiến trình bảo hộ quyền SHTT về nhân lực, về cơ sở hạ tầng và công nghệ vẫn là một câu hỏi chưa dễ có lời giải đáp thỏa đáng để quyền SHTT được phê duyệt nhanh hơn, chính xác hơn nhằm phát huy hiệu quả tác dụng của độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích đối với bản thân nhà khoa học và với cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm phát biểu tại Hội thảo |
Mặt khác, vốn sự nghiệp khoa học do Nhà nước đầu tư để tạo ra sản phẩm khoa học còn quá thấp. Như PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã kết luận: Nghiên cứu khoa học là tạo ra sản phẩm khoa học mới.
Muốn sản phẩm mới được ứng dụng, tác giả phải biến nó thành công nghệ có bản quyền, được người dân và doanh nghiệp cùng chấp nhận, khi đó sẽ bán được bản quyền, theo đó các khoản vốn đầu tư của nhà nước sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cao và hiệu quả xã hội tích cực. Nếu không, kết quả nghiên cứu khoa học sẽ chỉ nằm im trong khu lưu trữ số liệu”.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - giải đáp băn khoăn của các nữ trí thưc về bảo hộ quyền SHTT |
Thời gian tới, Cục SHTT sẽ tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về SHTT cho cộng đồng, đặc biệt là các thành phần kinh tế, thậm chí là cả các tác giả sáng chế; từng bước hỗ trợ việc xác lập quyền SHTT trong lĩnh vực KHCN, thúc đẩy và khuyến khích hoạt động sáng tạo.
Nhà nước, nhà khoa học và cơ quan bảo hộ tài nguyên trí tuệ đều có vai trò rất quan trọng trong quá trình này.
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |