Tăng cường sinh hoạt chuyên môn 'gỡ khó' bài giảng chương trình mới

GD&TĐ - Kết thúc mỗi đợt sinh hoạt chuyên môn, thầy cô tích lũy nhiều kinh nghiệm để tổ chức dạy học hiệu quả theo chương trình mới.

Giờ dạy thực nghiệm môn Vật lý tại Trường THCS thị trấn Tuần Giáo.
Giờ dạy thực nghiệm môn Vật lý tại Trường THCS thị trấn Tuần Giáo.

Phát huy trí tuệ tập thể

Mười ngày cuối tháng 9 vừa qua, tại Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên đã diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt chuyên môn, với chuyên đề “Học tập lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018”. Đây là hoạt động trọng tâm nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường năm học này.

“Do là năm đầu tiên dạy học chương trình mới đối với lớp 10 nên khó tránh khỏi vướng mắc. Vì vậy, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn hết sức cần thiết, nhằm tạo ra sự thống nhất trong xây dựng kế hoạch dạy học theo các cụm chuyên đề. Đồng thời, phát huy trí tuệ tập thể để cùng nhau tháo gỡ khó khăn”, thầy Vũ Trung Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Cũng theo thầy Hoàn, căn cứ vào nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và các điều kiện về cơ sở vật chất, nhà trường tổ chức dạy học 8 cụm chuyên đề học tập cho học sinh lớp 10. Các cụm chuyên đề gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Tin học. Trong đó chủ yếu tập trung vào 2 tháng đầu năm (tháng 9 và 10).

Để các tiết dạy thực nghiệm chất lượng, nhà trường phân công đội ngũ giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên cốt cán, có kinh nghiệm thực hiện. Các thầy cô được phân công cùng đầu tư công sức, trí tuệ chuẩn bị cho tiết dạy; giải quyết khó khăn của bài dạy.

“Mục tiêu của nhà trường là tất cả giáo viên dạy lớp 10 đều được tổ, nhóm chuyên môn dự giờ, góp ý. Từ đó, tự đúc rút kinh nghiệm cho mình, lựa chọn, xây dựng bài giảng, kế hoạch dạy học tốt nhất, phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh”, thầy Hoàn nhấn mạnh.

Còn tại huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), thời gian qua cũng liên tiếp diễn ra các hoạt động sinh hoạt chuyên đề cấp THCS, nhằm tháo gỡ khó khăn khi bắt tay triển khai dạy Chương trình GDPT mới đối với lớp 7.

Các môn/hoạt động giáo dục bao gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nghệ thuật. Mỗi môn học, phòng lựa chọn một giáo viên cốt cán, có năng lực, kinh nghiệm để dạy thực nghiệm (1 bài giảng).

Tham gia một giờ dạy thực nghiệm môn Hóa học, thầy Đào Hồng Giang, Trường Tiểu học và THCS Tỏa Tình, cho hay, tại đây các thầy cô được thẳng thắn trao đổi, chia sẻ. Qua đó, khắc phục, giải quyết những khó khăn khi áp dụng chương trình mới. Ngoài ra, giáo viên cùng bộ môn lập nhóm Zalo để trao đổi.

Với các giờ dạy thực nghiệm, vai trò trung tâm của học sinh được phát huy tối đa.

Với các giờ dạy thực nghiệm, vai trò trung tâm của học sinh được phát huy tối đa.

Cùng nhau đi lên

Cũng theo thầy Giang, mỗi địa bàn, đối tượng học sinh sẽ có cách giảng dạy khác nhau. Nơi thầy Giang công tác là xã vùng cao, không thể dạy học sinh giống vùng thấp. Tuy nhiên, những ý hay trong cách truyền tải kiến thức, dẫn dắt vấn đề, tổ chức giờ học, thiết bị dạy học… lĩnh hội được, giúp thầy linh hoạt hơn trong tổ chức các giờ học tiếp theo.

Với cô Vì Thị Dịu, Trường THCS thị trấn Tuần Giáo, sau khi được tham dự giờ dạy thực nghiệm môn Vật lý đã gợi mở nhiều sáng tạo trong giảng dạy. Cô Dịu lại đánh giá cao cách truyền tải và tương tác với học sinh của đồng nghiệp ở bài giảng thực nghiệm. Cô chia sẻ, do đây là bài giảng mà cô đang nghiên cứu và xây dựng để chuẩn bị dạy trên lớp, nên giờ thực nghiệm rất có ý nghĩa.

“Qua sinh hoạt chuyên đề, tôi học hỏi thêm được các cách truyền đạt, phát huy năng lực học sinh. Trong bài giảng của mình, tôi sẽ chuẩn bị nhiều hoạt động tương tác, phiếu học tập và các nội dung phù hợp với lực học của từng đối tượng học sinh để khai thác, phát huy đúng khả năng của các em. Từ đó, tổ chức hiệu quả giờ học”, cô Dịu cho biết thêm.

Theo bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, từ các tiết dạy thực nghiệm, giáo viên đã học hỏi nhau những cách thức truyền tải, tương tác với học sinh. Thầy cô cũng đúc rút nhiều kinh nghiệm để xây dựng bài giảng hay, hiệu quả, phù hợp với trường mình công tác.

“Đặc biệt hơn, việc tích cực trao đổi, thảo luận trong và sau các đợt sinh hoạt chuyên đề như thế đã giúp thầy cô tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ đó đi đến sự thống nhất về nội dung, phương pháp giảng dạy”, bà Hạnh cho hay.

Ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên đang duy trì hiệu quả 9 cụm chuyên môn, đối với 33/33 trường THPT. Ngành tiếp tục thành lập cụm hoạt động chuyên môn liên cấp (THCS, THPT) tại các phòng GD&ĐT địa phương, nhằm tăng tính kết nối giữa 2 cấp học. Nếu như trước đây, việc sinh hoạt chuyên môn chỉ gói gọn trong mỗi trường thì nay đã mở rộng sinh hoạt thành cụm trường.

“Những khó khăn, vướng mắc, cũng như cách làm hay, sáng tạo trong giảng dạy đều được chia sẻ để cùng nhau tháo gỡ, học hỏi. Ngoài ra, các trường trong cụm cũng tích cực hơn trong việc giúp đỡ nhau cùng nâng cao chất lượng dạy học, để không ảnh hưởng đến thành tích thi đua chung của cụm”, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên nhận định.

“Tôi chia sẻ với các thầy cô và bản thân cũng tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Từ việc nhỏ như gọi tên các nguyên tố hóa học bằng danh pháp quốc tế thay vì tên Việt hóa như trước đây, thầy cô chia sẻ vào nhóm Zalo video hướng dẫn cách đọc tên để cùng rèn luyện”, thầy Giang bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.