Tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản

Sáng 16/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự vào phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lời chúc mừng tới các cơ quan báo chí, xuất bản; đánh giá cao các cơ quan báo chí, xuất bản đã có nhiều đổi mới, đa dạng, phong phú trong công tác tuyên truyền, hướng về cơ sở, xây dựng đội ngũ những người làm báo vững vàng về tư tưởng, chuyên sâu về nghiệp vụ. Đồng chí bày tỏ tin tưởng, các cơ quan báo chí, xuất bản tiếp tục phát huy truyền thống, tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quan điểm của Đảng, Nhà nước về báo chí, thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, định hướng dư luận, qua đó góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả…

Đổi mới mạnh mẽ chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí

Báo cáo về công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản 6 tháng đầu năm 2021, Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Trần Thanh Lâm nhấn mạnh 6 tháng đầu năm 2021, công tác báo chí, xuất bản tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận xã hội, tích cực triển khai nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát tình hình thực tiễn; tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc thống nhất một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp.

Cơ quan chức năng chủ động ban hành các văn bản kế hoạch hướng dẫn thông tin, tuyên truyền về các vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong cung cấp thông tin cho báo chí; đẩy mạnh áp dụng công nghệ để đo kiểm, đánh giá, nhận định về xu thế thông tin, từ đó phân tích, đánh giá để có các biện pháp, giải pháp chỉ đạo, quản lý kịp thời, bám sát và phù hợp với tình hình thực tiễn…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan thực hiện tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp lợi ích quốc gia, dân tộc. Cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ phục vụ các sự kiện chính trị, kỷ niệm lớn của đất nước và các hoạt động phát triển ngành . Các cơ quan chỉ đạo, quản lý đã chỉ đạo các nhà xuất bản tập trung xuất bản một số loại sách đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu thù địch sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia…

Sáu tháng đầu năm, các cơ quan báo chí chủ động, kịp thời thông tin, tuyên truyền về các sự kiện chính trị, sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiều nhà xuất bản chủ động khắc phục khó khăn, đa dạng hóa đề tài, nội dung, hình thức, mẫu mã, xuất bản nhiều đầu sách giá trị về lý luận, văn hóa, văn học, lịch sử... đáp ứng như cầu đa dạng của bạn đọc. Chất lượng sách được cải thiện một bước, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nhiều nhà xuất bản đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản; kích hoạt và thúc đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến thông qua những hình thức kinh doanh mới như: mua bán sách trực tuyến qua mạng internet, xuất bản sách truyền thống kèm các sản phẩm sách điện tử...

Xây dựng nền báo chí cách mạng, hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá qua việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cơ quan báo chí có giảm về số lượng, quản lý việc thực hiện theo tôn chỉ pháp luật có tiến bộ… Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích chưa thực sự đạt hiệu quả thực chất, vẫn còn gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhấn mạnh tính cần thiết thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng các cơ quan chủ quản báo chí phải nắm chắc, hiểu rõ về các cơ quan báo chí thuộc cơ quan chủ quản; mạnh dạn rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo chí cho hợp lý.

Thời gian tới, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo, Hội Xuất bản và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản; tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tổng kết Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Các cơ quan báo chí, xuất bản tiếp tục tuân thủ, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà xuất bản về mọi hoạt động của cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là việc kiểm soát chặt chẽ nội dung thông tin, hoạt động liên kết; chủ động, sáng tạo, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, xuất bản phẩm; thực hiện từng bước chuyển đổi số, phát triển loại hình báo chí đa phương tiện, đa nền tảng; xuất bản điện tử, xuất bản số, thương mại điện tử…

Các cơ quan báo chí, xuất bản tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; chủ động tăng cường các tuyến tin, bài liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội…

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh 6 tháng đầu năm 2021 với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các cơ quan báo chí, xuất bản đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tích cực khắc phục khó khăn, hạn chế của báo chí đã được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII. Điểm lại những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước từ đầu năm tới nay, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá tính thuyết phục, định hướng thông tin, sự thống nhất ý chí cao trong Đảng và đồng thuận trong nhân dân được nâng lên; những vấn đề cấp bách, nổi cộm, được dư luận quan tâm được giải quyết kịp thời…

Thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh các cơ quan báo chí, xuất bản cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó lĩnh vực báo chí cần chú trọng quán triệt và nhất quán với quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Xây dựng nền báo chí cách mạng, hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Muốn làm được cần phát huy vai trò tổng hợp của các cơ quan lãnh đạo đến cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và từng tập thể phóng viên, biên tập viên của từng tờ báo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh trong công tác thông tin tuyên truyền, cần tiếp tục chú trọng đổi mới hình thức thông tin tuyên truyền trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Đồng chí lưu ý cần tập trung đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí xuất bản, đây là công việc cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để có thế hệ cán bộ phóng viên tinh thông nghiệp vụ, có tính nhân văn, sâu sát, gắn bó cơ sở để có những thông tin mang hơn thở cuộc sống. Đồng chí nhấn mạnh cần chú trọng tới hiện đại hóa báo chí trong bối cảnh hiện tại; đồng thời có những suy nghĩ, tính toán để có những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam…

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.