Lễ kí kết đánh dấu cho sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ với nội dung triển khai trong giai đoạn 2019 – 2025 sẽ tập trung vào một số mục tiêu chính sau: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nội dung giáo dục BVMT vào các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT gắn với bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới;
Lễ kí kết chương trình phối hợp về công tác BVMT giai đoạn 2019 – 2025. Ảnh: Việt Hà |
Tiếp tục rà soát, xây dựng và phát triển hệ thống, sổ tay hướng dẫn, tài liệu điện tử, học liệu, băng đĩa hình … về giáo dục BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó chú trọng nội dung giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về BVMT, tập trung vào việc giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong hệ thống các cơ sở GD&ĐT;
Triển khai thực hiện các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức về BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các cơ sở GD&ĐT; Tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng lĩnh vực giáo dục BVMT.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại lễ kí kết. Ảnh Việt Hà |
Phát biểu tại lễ kí kết, khẳng định đây là chương trình rất có ý nghĩa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu ra 3 nội dung phối hợp công tác: Trước hết, giáo dục cho những công dân trẻ ý thức, kỹ năng về BVMT, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Việc giáo dục này cần bắt đầu ngay từ bậc học mầm non, bậc học phổ thông, để đến năm 18 tuổi các em có đầy đủ nhận thức và kỹ năng cần thiết, đây không chỉ trách nhiệm mà còn là quyền lợi của từng em.
Bộ trưởng cho biết, CTGDPT mới được ban hành đã thiết kế những nội dung về BVMT, phòng chống biến đổi khí hậu, thiên tai phù hợp trong từng môn học, cấp học nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh. Bộ GD&ĐT mong muốn nhận được sự phối hợp, chia sẻ thông tin từ phía Bộ TN&MT để việc trang bị kiến thức về môi trường trở nên gần gũi, hấp dẫn đối với học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu dự lễ kí kết chụp ảnh lưu niệm tại Bộ TN&MT. Ảnh Việt Hà |
Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc phối hợp giữa hai Bộ về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành tài nguyên, môi trường. Hiện Bộ TN&MT là cơ quan chủ quản của 2 trường đại học, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành là rất quan trọng.
Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ để cùng Bộ TN&MT thực hiện tốt yêu cầu về kiểm định, đảm bảo chất lượng cho các trường đại học, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn cạnh tranh hiện nay, kết nối tốt giữa đào tạo và sử dụng. Bộ trưởng cũng đề cập tới việc phối hợp giữa hai Bộ trong nghiên cứu khoa học, cụ thể nghiên cứu xây dựng luận cứ cho một số đề án lớn trong lĩnh vực GD&ĐT và TN&MT.
Để chương trình hợp tác giữa hai Bộ đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị hai bên sẽ lựa chọn những nội dung điểm nhấn để triển khai theo từng năm và có sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Quá trình triển khai hợp tác cần cộng hưởng nguồn lực giữa hai bên, đảm bảo việc phối hợp thống nhất từ cấp Bộ, đến cấp sở, cấp phòng tại các địa phương.
“Nội dung chương trình kí kết hôm nay là khung nguyên tắc, quá trình triển khai hai bên cần thống nhất những chương trình cụ thể, thiết thực và phải thực hiện được” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.