Tăng cường nâng cao năng lực giao tiếp bằng tiếng dân tộc cho cán bộ chiến sĩ

GD&TĐ - Thời gian qua Đại học Thái Nguyên và trường thành viên đã phối hợp với các địa phương tổ chức lớp dạy tiếng Mông cho học viên là CBCS Công an.

Tăng cường nâng cao năng lực giao tiếp bằng tiếng Mông cho Cán bộ chiến sĩ.
Tăng cường nâng cao năng lực giao tiếp bằng tiếng Mông cho Cán bộ chiến sĩ.

Việc bồi dưỡng tiếng Mông có ý nghĩa lớn

Việc tổ chức các lớp dạy và cấp chứng chỉ tiếng Mông có ý nghĩa rất lớn, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ Công an trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân. Đặc biệt còn góp phần quan trọng trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, cùng nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo số liệu thống kê, Hà Giang là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 87%, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 32%. Với địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nên việc xây dựng đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, Đại học Thái Nguyên đã phối hợp Công an tỉnh Hà Giang tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang. Tham gia lớp tập huấn có 50 cán bộ, chiến sĩ công tác tại các địa bàn cơ sở.

Trong thời gian 4 tháng, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về vốn tiếng dân tộc thiểu số cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào, đáp ứng yêu cầu công tác tại địa phương.

Các học viên sẽ có thời gian thực tế tại cơ sở, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đại học Thái Nguyên, Ban tổ chức lớp học và các học viên cần khắc phục khó khăn, chấp hành tốt các nội quy, quy định, tích cực học tập, nghiên cứu; lĩnh hội đầy đủ các nội dung được truyền đạt.

Đại học Thái Nguyên sẽ cử giáo viên có kinh nghiệm, chất lượng, đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Lễ khai giảng bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Lễ khai giảng bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang.

Trang bị kiến thức và kỹ năng giao tiếp cơ bản

Trước đó, Công an tỉnh Bắc Kạn cũng đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông năm 2023.

Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn gồm 48 học viên đến từ công an các đơn vị, địa phương, với hình thức đào tạo vừa làm, vừa học.

Trong 5 tháng, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về tiếng dân tộc Mông. Lớp sẽ đi thực tế tại các vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông.

Kết thúc khóa học, các học viên sẽ có khả năng nghe, nói, giao tiếp với đồng bào dân tộc Mông và tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Kạn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Trường Đại học Khoa học- Đại học Thái Nguyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc tại địa phương. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, công an các đơn vị địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp học đầy đủ.

Ban tổ chức lớp học cần phối hợp với Trung tâm nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên làm tốt công tác quản lý lớp học, đảm bảo việc dạy và học đạt kết quả như kế hoạch đề ra; tham mưu, đề xuất Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh kịp thời khen thưởng các cá nhân đạt thành tích cao trong học tập. Đối với học viên, cần nêu cao trách nhiệm, chấp hành tốt nội quy, quy chế của lớp học.

Việc học tiếng Mông có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc, miền núi. Qua đó, nâng cao năng lực tiếng Mông nói riêng và tiếng DTTS nói chung sẽ giúp cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc Mông chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.