Triển khai quy định về dạy - học thêm: Giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo

GD&TĐ - Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) có lợi cho người học và Sở GD&ĐT Đồng Tháp kiên quyết thực hiện đúng thông tư này.

Bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp. Ảnh: NVCC
Bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp. Ảnh: NVCC

Bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định khi chia sẻ việc triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm tại địa phương.

Ngân sách Nhà nước đảm bảo cho hoạt động này

- Bà nhận định thế nào về tác động của quy định về dạy thêm, học thêm đối với việc dạy và học trong nhà trường?

- Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư này tác động lớn đến tâm lý cha mẹ học sinh, học sinh và giáo viên do chưa hiểu đầy đủ về hoạt động dạy thêm, học thêm.

Tại Đồng Tháp, triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường phổ thông đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức học sinh. Từ khi bắt đầu triển khai chương trình mới, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả và thầy, cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực người học. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Từ ngày Thông tư 29 có hiệu lực, các nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch giáo dục để tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp; học sinh tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp; kinh phí do trường chi trả, mỗi môn dạy không quá 2 tiết/tuần. Do đó, cha mẹ, học sinh an tâm về lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

- Một số cơ sở giáo dục dừng hoạt động dạy học tăng cường nhằm ôn tập cho học sinh cuối cấp để chờ hướng dẫn. Theo bà, có giải pháp nào cho các nhà trường trong thời điểm này để vừa thực hiện đúng Thông tư 29, vừa bảo đảm hoạt động ôn tập cho học sinh?

- Như nói ở trên, các trường phổ thông đã xây dựng kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho 2 kỳ thi cuối cấp ngay từ đầu năm học. Thời điểm này là giai đoạn nước rút nên các trường chủ động điều chỉnh kế hoạch, lượng kiến thức đảm bảo đáp ứng chương trình môn học.

Ngoài công tác ôn tập, nhà trường còn tổ chức bồi dưỡng cho học sinh nếu có kết quả học tập môn học cuối học kỳ I ở mức chưa đạt để các em theo kịp chương trình. Việc này là trách nhiệm của nhà trường, các em tham gia học không thu phí, ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo.

- Bộ GD&ĐT quy định mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần. Có ý kiến lo lắng thời lượng này ít, khó bảo đảm chất lượng ôn tập. Bà nghĩ sao?

- Tôi nghĩ thời lượng này vừa với quỹ thời gian rèn luyện của học sinh cũng như hòa chung tổng thời lượng rèn luyện thêm các môn học khác. Quan trọng là cách giáo viên hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu để chuyển kiến thức học thêm thành kiến thức riêng của mình.

giu-gin-hinh-anh-va-su-ton-nghiem-cua-nha-giao3.jpg
Ảnh minh họa INT.

Phối hợp nhịp nhàng trong quản lý là giải pháp then chốt

- Có ý kiến cho rằng với quy định mới, sẽ có hình thức lách luật như việc trường bắt tay với trung tâm để dạy thêm, phụ huynh đóng góp tiền dưới các dạng thức khác để chi trả cho việc học thêm… Việc này cần kiểm soát thế nào để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định?

- Tôi cho rằng có 2 vấn đề, đó là quy định pháp luật và nhận thức của người dân. Thông tư 29 quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị, từ UBND tỉnh, UBND cấp huyện, sở GD&ĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát.

Cơ quan quản lý có quy định cụ thể nhưng nhận thức người dân rất quan trọng, hơn ai hết chính là cha mẹ học sinh. Đây là kênh giám sát cộng đồng phản ánh kịp thời đến hiệu trưởng nhà trường khi phát hiện giáo viên dạy thêm sai quy định, có biểu hiện o ép, dạy học sinh chính khóa có thu tiền. Hiệu trưởng có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, xử lý nghiêm giáo viên vi phạm.

Quan điểm của Sở GD&ĐT Đồng Tháp là kiên quyết thực hiện đúng theo thông tư về dạy thêm của Bộ GD&ĐT, không có chuyện du di, thông cảm. Đây là quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng o ép học sinh học thêm.

- Bà có lo ngại khi không còn dạy học thêm có thu tiền trong nhà trường, sẽ nở rộ các trung tâm tổ chức dạy học thêm, gây khó khăn trong quản lý?

- Bước đầu sẽ khó trong khâu phối hợp, như trong thông tư đã nêu trách nhiệm của các cơ quan, địa phương các cấp, hướng tới phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất là cấp chính quyền trên địa bàn có cơ sở, trung tâm dạy thêm hoạt động. Thiết nghĩ, khâu phối hợp nhịp nhàng trong quản lý là then chốt mới đạt được hiệu quả quản lý dạy thêm, học thêm trong tình hình hiện nay.

- Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương ban hành quy định, hướng dẫn về dạy thêm, học thêm. Là cơ quan tham mưu, sở GD&ĐT đã triển khai việc này ra sao?

- Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã tham mưu và UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao sở GD&ĐT chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn dự thảo văn bản của UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Do là văn bản quy phạm pháp luật nên phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình, dự kiến hoàn chỉnh dự thảo trình UBND tỉnh giữa tháng 4/2025.

Ngày 12/2, Sở GD&ĐT có văn bản gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở, phòng GD&ĐT huyện, thành phố về thực hiện dạy học 2 buổi/ngày và dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Theo đó, sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai theo Thông tư 29 kể từ ngày 14/2/2025.

Lưu ý dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho học sinh đăng ký học thêm từng môn học, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; nhà trường không được thu tiền của học sinh.

- Xin cảm ơn bà!

Giáo viên trước hết phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc. Người làm nghề phải tâm huyết với nghề, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo mới xứng đáng là tấm gương để học sinh noi theo. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của cá nhân sau này. - Bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ