Tăng cường kiểm tra vấn đề lạm thu

Tăng cường kiểm tra vấn đề lạm thu

(GD&TĐ) - Đã bước sang tuần thứ 3 của năm học mới song vấn đề tiền trường vẫn là đề tài nóng khi mà những những khoản chi thu đầu năm tại các nhà trường thực tế chưa thuyết phục được các bậc phụ huynh. Làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng này?

>>>Hà Nội lập 5 đoàn kiểm tra thu chi đầu năm học

Họp phụ huynh (hình chỉ có tính minh họa/Internet)
Họp phụ huynh (hình chỉ có tính minh họa/Internet)

Đâu là nguyên nhân?

Mặc dù trước khi bước vào năm học mới, Bộ GD&ĐT có những văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn nhằm siết chặt lạm thu. Theo đó, đối với mức thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Tuy nhiên dưới các cở sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng lạm thu tạo ra những dư luận không tốt trong xã hội. Nguyên nhân nảy sinh các khoản đóng góp trong các nhà trường gây ra những bức xúc trong phụ huynh là do các nhà trường đã tự đề ra khoản thu dưới danh nghĩa thỏa thuận và tự nguyện. Các yêu cầu đóng góp hoặc tự nguyện chỉ là bình phong gần như buộc các phụ huynh phải vui vẻ đóng. Chị Lan ở Trung văn chia sẻ: vất vả lắm mới xin cho con vào học mẫu giáo ở trường công lập vì vậy nên khi nhà trường yêu cầu đóng những khoản “tự nguyện” trước khi vào trường, mặc dù còn khó khăn nhưng phần lớn các gia đình đều phải cố gắng. Một phần vì cũng mong con cái được học trong môi trường tốt hơn nhưng một phần cũng vì ngại đi ngược lại chủ trương của nhà trường.

Trong các cuộc họp phụ huynh ở các trường thì phần lớn đều có sự gợi ý của GV chủ nhiệm ai sẽ làm ban đại diện cha mẹ HS từ trước. Vì vậy tất cả các khoản thu chi từ nhà trường xuống tới các lớp dường như đều ‘rất nhất quán”. Nhiều phụ huynh dù thấy những khoản thu bất hợp lý nhưng vẫn không dám thắc mắc hoặc có thắc mắc thì cũng chỉ nhỏ to bởi sợ con cháu mình gặp rắc rối. Năm học này nhiều trường mầm non ở các thành phố lớn đều đưa các nội dung học năng khiếu, tiếng Anh, Kỹ năng sống vào trong các tiết học của HS duới hình thức học tự nguyện. Điều này cũng rất tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, song vấn đề đặt ra là mức thu phải phù hợp và rõ ràng.

Việc thu chi này cần minh bạch, tránh tình trạng gây hiểu lầm từ phía phụ huynh. Một phụ huynh có con học ở trường Họa Mi (Thanh Xuân) cho rằng mức thu các khoản học tự nguyện này còn cao hơn học phí phải đóng theo quy định. Tất nhiên việc đăng ký học tự nguyện là hợp lý nhưng phụ huynh cũng băn khoăn bởi các kỹ năng sống đối với trẻ bậc mầm non kiến thức rất đơn giản. Các cô giáo trong trường đều có khả năng dạy tốt các con ở lứa tuổi này sao các trường không đưa vào nội dung dạy chính khóa mà phải mời các chuyên gia khác tới dạy? Vì vậy đây cũng là một khoản mà phụ huynh phải đóng nếu muốn cho con phát triển hòa nhập tốt trong cuộc sống (được biết mỗi trẻ tham gia học lớp kỹ năng này học phí là 100 ngàn đồng/tháng).

Ngoài ra các loại tiền khác như tiền điện, tiền gửi xe, tiền hỗ trợ chăm sóc giáo dục được cố định hàng tháng khiến số tiền mà phụ huynh thực tế phải đóng cũng tăng lên. Bên cạnh đó nhiều trường thu dưới hình thức công tác xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất cho HS ngay từ đầu năm mà chưa tính đến mức thu nhập mặt bằng chung của nhiều gia đình vẫn còn khó khăn. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, cũng đã nhấn mạnh: hiện nay, chi phí thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho nhà trường còn hạn chế. Do vậy, nếu phụ huynh nào có đóng góp giúp đỡ trường thì Bộ GD-ĐT rất ủng hộ. Nhưng với bất cứ trường hợp nào mà lãnh đạo nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp tự nguyện nhưng là tự nguyện trong điều kiện bị ép buộc đều là sai quy định, không được phép. Bộ GD-ĐT sẽ không bao che cho những sai phạm đó mà sẽ xử lý nghiêm.

Giải pháp nào cho vấn đề này

Theo Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính  (Bộ GD&ĐT), ngay trước năm học mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản gửi các tỉnh, thành phố về vấn đề quản lý, thu chi, song trên thực tế vẫn diễn ra tình trạng lạm thu ở các nhà trường. Vì vậy, Bộ đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải giám sát, kiểm tra và có thái độ xử phạt thích đáng đối với những trường hợp vi phạm. Đồng thời Bộ GD&ĐT cũng tăng cường khâu kiểm tra việc thực hiện về vấn đề chống lạm thu một cách quyết liệt tại các cơ sở giáo dục.

Như vậy để hạn chế tình trạng thu không đúng quy định trước hết lãnh đạo tại các địa phương phải sâu sát và xử lý nghiêm minh các trường hợp thu sai quy định. Đặc biệt ban đại diện cha mẹ HS ở mỗi trường mỗi lớp phải thực sự là những người do cha mẹ HS tự bầu ra và làm việc công tâm vì quyền và lợi ích chung của thầy và trò.

Tại Hà Nội vừa qua, trước vấn đề lạm thu tại các nhà trường, Sở GD& ĐT đã tiến hành tổ chức cuộc họp khẩn về vấn đề này. Giải pháp được đưa ra tại cuộc họp là các đơn vị thu sai thì phải trả lại tiền cho phụ huynh HS. Đây cũng là việc phải làm để giảm đi những bức xúc, nhưng nên chăng trước khi thu các khoản tiền nào ngoài quy định thì các nhà trường phải tìm được sự đồng thuận thực sự từ cha mẹ HS chứ không nên làm công tác chữa cháy sau này.

Việc chống lạm thu sẽ được ngành giáo dục ráo riết thực hiện nhưng để làm tốt công tác này đòi hỏi các cơ quan quản lý ở từng địa phương và các bậc phụ huynh học sinh cũng phải cùng chung tay.

Châu Anh

Được biết, năm 2011, Hà Nội cấp ngân sách cho các trường học tăng hơn 2 lần so với trước. Theo đó, ở cấp học mầm non, định mức là 3,4 triệu đồng/trẻ/năm (mức cũ là 2 triệu đồng/trẻ/năm); tiểu học là 3 triệu đồng/học sinh/năm (mức cũ là 1,35 triệu đồng/học sinh/năm); cấp THCS là 3,7 triệu đồng/học sinh/năm (mức cũ là 1,75 triệu đồng/học sinh/năm); ở cấp THPT là 4 triệu đồng/học sinh/năm (mức cũ là 1,88 triệu đồng). Riêng trường chuyên Amsterdam được cấp 15 triệu đồng/học sinh/năm; các trường chuyên khác 10 triệu đồng/học sinh/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ