Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non

GD&TĐ - Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non Việt Nam (SRPP) vừa được Ngân hàng Thế giới khởi động, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng đến trường cho trẻ 5 tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ dân tộc thiểu số.  

Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non

Nâng cao kết quả giáo dục cho người dân là một phần quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, và được coi là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội trong giai đoạn 2011 - 2020. Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư cho giáo dục mầm non là một bước cơ bản hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lúc Việt Nam nỗ lực để trở thành nền kinh tế thị trường công nghiệp hóa hiện đại.

Xiaoqing Yu, Giám đốc Ban phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chia sẻ: “Rất nhiều bằng chứng trên thế giới cho thấy rằng nhiều kỹ năng tư duy, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội và kỹ năng ứng xử được hình thành trong những năm đầu đời của trẻ. Nếu bạn muốn có 1 nền giáo dục công bằng, nếu bạn muốn mọi người đều tận dụng lợi thế từ nền kinh tế phát triển, nếu bạn muốn chống lại đói nghèo - phát triển giáo dục mầm non là một trong những công cụ hứa hẹn nhất”.

Theo khảo sát được trình bày tại lễ khởi động dự án, có khoảng một nửa số trẻ em Việt Nam 5 tuổi có nguy cơ thiếu hụt hoặc thiếu hụt ít nhất 1 trong 5 kỹ năng cần thiết để bắt đầu đi học. Các khảo sát độ tuổi mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức Hỗ trợ Phát triển giáo dục của Nga, Hoc viện Offord ở Canada và Ngân hàng Thế giới đồng thực hiện chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em chưa sẵn sàng đến trường cao nhất ở nhóm trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non được thiết kế để giải quyết vần đề này bằng cách nâng cao khả năng sẵn sàng cho trẻ đi học tiểu học, thông qua việc hỗ trợ các cấu phần đã được lựa chọn trong chương trình quốc gia của Việt Nam “Phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi trong giai đoạn 2010 - 2015” (Nghị định 239). Dự án hỗ trợ các nỗ lực mở rộng ghi danh bán trú ở cấp mầm non, nâng cao năng lực đảm bảo chất lượng cho trường mầm non và tăng khả năng chuyên môn cho giáo viên và hiệu trưởng.

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, khoản tín dụng 100 triệu đô la Mỹ cho dự án do Hiệp hội Phát triển Quốc tế - đơn vị cho vay của Ngân hàng Thế giới dành cho các nước nghèo cung cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ