Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non

Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non

(GD&TĐ) -  Để góp phần thúc đẩy tiến độ và hoàn thành mục tiêu dự án "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) về Hiệp định tài trợ và các văn kiện pháp lý có liên quan đến dự án. 

Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non ảnh 1
Vẫn còn nhiều trẻ em nằm trong diện dễ bị tổn thương về khả năng sẵn sàng đi học

Đoàn đàm phán liên ngành do đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tiến hành đàm phán Hiệp định tài trợ và các văn kiện pháp lý có liên quan của dự án; báo cáo Chính phủ về kết quả sau khi kết thúc đàm phán.

Các trường mầm non thuộc đối tượng của dự án thường nằm trong những khu vực khó khăn, có tỷ lệ lớn trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có bố mẹ ít được đi học và thuộc những hộ gia đình nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương về khả năng sẵn sàng đi học.

Được biết, dự án "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non" là Dự án hỗ trợ thực hiện chương trình của Chính phủ về phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi thông qua việc tập trung cụ thể vào nhu cầu của những trẻ em thiệt thòi nhất và cải thiện mức độ sẵn sàng đi học của trẻ, trong đó đặc biệt chú trọng trẻ em dân tộc thiểu số. 

Dự án nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đi học tiểu học của trẻ em 5 tuổi, đặc biệt cho những trẻ dễ bị tổn thương nhất khi không thành công trong môi trường học tập; tăng tỷ lệ số trường mầm non được chứng nhận đạt chuẩn...

Dự án hướng tới đối tượng hưởng lợi là trẻ em trong độ tuổi từ 3-5 tuổi, giúp tập trung nguồn lực và sự quan tâm tới những trường mầm non không đủ khả năng cung cấp các dịch vụ mầm non chất lượng theo nội dung của Chương trình giáo dục mầm non mới cho trẻ em có hoàn cảnh dễ tổn thương nhất.

Thái Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ