Tăng cường giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại đối với trẻ em trong trường học Thủ đô

GD&TĐ - Nhiều năm qua, công tác giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại với trẻ em luôn là một trong những nội dung quan trọng được các nhà trường triển khai mạnh mẽ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Học sinh đã được các chuyên gia tuyên truyền một số kỹ năng cơ bản về phòng chống bạo lực và xâm hại với trẻ em.
Học sinh đã được các chuyên gia tuyên truyền một số kỹ năng cơ bản về phòng chống bạo lực và xâm hại với trẻ em.

Trang bị những kỹ năng cần thiết

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Ngô Thị Hồng Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông cho hay, dù bị tác động không nhỏ của dịch bệnh nhưng nhà trường vẫn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã mời các cán bộ thuộc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ - Công an TP Hà Nội về trường để tuyên truyền về phòng chống bạo lực và xâm hại đối với trẻ em.

Những năm gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không chỉ diễn ra ở nơi công cộng mà còn diễn ra ngay trong gia đình, nơi được coi là tổ ấm của các em. Điều này để lại những hậu quả, tổn hại lâu dài, khó khắc phục cho chính các em và cộng đồng. 

Thiếu tá Tạ Thị Hà Giang - cán bộ thuộc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đã chỉ rõ cho các em học sinh biết được những kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận diện các nguy cơ về bạo lực cũng như xâm hại với trẻ em.

Học sinh được giao lưu trực tiếp với chuyên gia về các câu hỏi liên quan đến phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
Học sinh được giao lưu trực tiếp với chuyên gia về các câu hỏi liên quan đến phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

Theo đó, đối tượng xâm hại trẻ em có thể là người lạ không quen biết với các em, nhưng cũng có thể là người quen thân thiết trong gia đình như chú, bác, anh em, hàng xóm… Do đó, các em không dễ dãi kết bạn, làm quen với người lạ, người mới quen chưa rõ lai lịch, người quen trên mạng xã hội; không dễ nhận quà, nhận lời mời của những người này. Chia sẻ với bố mẹ, người thân trước các hiện tượng lạ hay các hành vi làm mình khó chịu.

Vị chuyên gia cũng nêu ra nguyên tắc “5 ngón tay” trong giao tiếp với người khác để các em dễ ghi nhớ. Trong đó, ngón cái thể hiện trẻ có thể ôm hôn người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ; ngón trỏ là nắm tay với bạn bè, người thân họ hàng; ngón giữa thể hiện có thể bắt tay khi gặp người quen; ngón áp út là vẫy tay nếu đó là người lạ; ngón út trẻ có thể xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu đó là người xa lạ mà trẻ cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.

Các cán bộ công an cũng hướng dẫn trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình như quy tắc “vùng đồ bơi”. Không ai được phép chạm vào vùng kín, vùng đồ bơi của trẻ trừ bố mẹ và bác sĩ. Nếu bố mẹ muốn xem thì phải hỏi ý kiến con. Nếu gặp các tình huống nguy hiểm thì trẻ có thể áp dụng một số kỹ năng thoát hiểm khi bị kẻ xấu khống chế…

Bên cạnh đó, các em học sinh cũng được nghe chia sẻ về cách phòng tránh bạo lực học đường. Bằng những câu chuyện và ví dụ cụ thể trong cuộc sống, các em đã hình dung ra được những điều mình nên làm khi giao tiếp với mọi người để tránh xa các thói hư tật xấu. 

Cần tổ chức thường xuyên hơn

Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần được các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh.
Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần được các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh.

Anh Bùi Song Toàn – phụ huynh lớp 1A6 Trường Tiểu học Nguyễn Du chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao sự cố gắng của nhà trường khi tổ chức các sự kiện như thế này. Nghe ý kiến từ phía các chiến sĩ công an mà các bậc làm cha làm mẹ chúng tôi cảm thấy luôn có hình bóng mình trong đó. Đơn cử như việc vô cớ mắng hay quy kết tội cho con dù chưa biết đầu đuôi câu chuyện thế nào cũng khiến mình phải nhìn nhận lại vấn đề để có sự rút kinh nghiệm. Khi trẻ được đi học trực tiếp trở lại sau thời gian dài phải học trực tuyến, các buổi chuyên đề về kỹ năng sống thực sự vô cùng cần thiết. Phụ huynh sẽ luôn đồng hành và ủng hộ nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động này”.

Còn em Nguyễn Hà Trang – học sinh lớp 5A2 cho biết: “Được nghe các cô chú công an giảng dạy tại sân trường, chúng em thấy rất bổ ích, nhất là các kiến thức liên quan đến tự bảo vệ bản thân trước những cám dỗ trên mạng xã hội. Chúng em mong nhà trường sẽ tổ chức thật nhiều chương trình như lần này để cô và trò có được môi trường giao lưu, thoải mái đầu óc sau những giờ học trên lớp. Qua các câu hỏi của chuyên gia, em biết được cách mình phải điều chỉnh cách đi đứng, giữ khoảng cách với người lạ. Không nhận quà hay bất cứ thứ gì từ người không quen biết, đi học phải chờ bố mẹ đến đón chứ không đi theo người lạ…”.

Cô Ngô Thị Hồng Lương – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, với lứa tuổi mầm non và tiểu học thì việc trang bị cho các em kỹ năng sống song song với dạy kiến thức văn hóa là điều rất cần thiết, cần được coi như nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của mỗi nhà trường.

Cô Ngô Thị Hồng Lương – Hiệu trưởng nhà trường (thứ 3 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng các cán bộ Công an TP Hà Nội.
Cô Ngô Thị Hồng Lương – Hiệu trưởng nhà trường (thứ 3 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng các cán bộ Công an TP Hà Nội.

Trong môn Hoạt động trải nghiệm lớp 1, lớp 2 thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã lồng ghép rất nhiều kỹ năng cho trẻ. Trong đó có các kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… đều giúp trẻ phát triển toàn diện hơn so với trước đây là chỉ dạy nặng về kiến thức. Việc tổ chức các hoạt động chuyên đề dưới sân trường giúp đổi mới về hình thức truyền đạt so với chỉ tuyên truyền trên lớp.

“Tại các chương trình này, các cán bộ công an chia sẻ rất nhiệt tình và sâu sát, áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp để tăng tính tương tác với học sinh. Chứng kiến cảnh học trò hào hứng tham gia trả lời câu hỏi giao lưu của các cô chú công an và nhận về những phần quà nhỏ xinh, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng. Các diễn giả có cách diễn đạt và truyền đạt kiến thức một cách tự nhiên nhất để giúp các em dễ hiểu nhất về các kỹ năng phòng tránh bạo lực và xâm hại tình dục. Từ đây, các em cũng đóng vai trò như một ‘tuyên truyền viên’ với chính các thành viên trong gia đình của mình khi ở nhà” – cô Lương nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, các nhà trường trên địa bàn đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để quản lý các em, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, cho học sinh tham gia vào các hoạt động bổ ích nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho trẻ. Việc tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng chống bạo lực và xâm hại đối với trẻ em trong các hoạt động chuyên đề, ngoại khóa của các trường một cách phù hợp là rất cần thiết và cần thực hiện một cách thường xuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.