Tăng cường giám sát nâng cao hiệu quả Ban đại diện cha mẹ học sinh

GD&TĐ - Để phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh cần gắn với trách nhiệm của ban giám hiệu và vai trò giám sát của chính quyền...

Quang cảnh họp phụ huynh đầu năm tại một trường học ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: INT
Quang cảnh họp phụ huynh đầu năm tại một trường học ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: INT

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) cần gắn với trách nhiệm của ban giám hiệu và vai trò giám sát của chính quyền. Từ đó, hạn chế được các khoản thu chi không đúng quy định, thiếu minh bạch.

Cầu nối nhà trường với phụ huynh

Có 2 con đang học lớp 5 và lớp 9 tại quận Hà Đông (Hà Nội), chị Nguyễn Minh Tâm cho rằng, dù ở cấp học nào thì ban đại diện CMHS đều có vai trò quan trọng trong việc phối hợp để giáo dục con cái. Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh sẽ tham gia nhiều hoạt động giáo dục khác nhau chứ không chỉ học trên lớp. Khi đó, vai trò đồng hành của đại diện CMHS lớp với thầy cô để giám sát, động viên các em học tập càng trở nên cần thiết.

Dù vậy, đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng ban đại diện CMHS sau khi được lập nên đã không hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ mà chỉ tập trung vào việc thu chi các loại tiền quỹ của học sinh trong lớp/trường gây bức xúc dư luận.

Tương tự, chị Phí Thị Diễn có con học trường mầm non ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nêu quan điểm: “Dù còn nhiều ý kiến nhưng không thể phủ nhận vai trò cầu nối của ban đại diện CMHS ở mỗi nhà trường. Do các cháu còn nhỏ nên mỗi khi trường lớp có hoạt động gì đều cần sự chung tay, hỗ trợ của cha mẹ và các cô giáo mới tổ chức thành công. Mọi người tham gia trên tinh thần tự nguyện và hoạt động vì các con”.

Theo thầy Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi) - giáo viên tại tỉnh Vĩnh Phúc, ban đại diện CMHS là thành phần không thể thiếu trong mỗi trường, lớp học và được quy định cụ thể tại Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ ban đại diện CMHS. Điều lệ đã nêu rõ nghĩa vụ, quyền hạn, cách thức phối hợp giữa nhà trường với ban đại diện CMHS.

Giáo dục học sinh không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà cần sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó có phụ huynh. Tuy nhiên, ở một số nơi, ban đại diện CMHS của lớp không hiểu đầy đủ về quyền, trách nhiệm nên tiến hành thu chi các khoản tiền không đúng mục đích, làm theo góc nhìn cá nhân chứ không thực sự vì học sinh. Bởi vậy, có người phản đối và cho rằng ban đại diện CMHS của lớp, trường là “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng trong thu chi.

“Trong một tập thể không phải ai cũng có điều kiện kinh tế khá giả. Việc huy động tiền quỹ vào mục đích gì cần tiến hành thận trọng, lên kế hoạch và trình ban giám hiệu nhà trường xem xét. Sau khi đạt được thống nhất của toàn bộ phụ huynh mới tiến hành thu, đặc biệt là các khoản thu theo thỏa thuận. Nếu xã hội hóa thì cần làm chặt chẽ trên tinh thần tự nguyện, nhiều ít đều đáng trân quý để góp phần nâng cao điều kiện học tập tốt hơn cho các em”, thầy Hùng nói.

Tăng cường giám sát

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp của Học viện Quản lý Giáo dục khẳng định, ban đại diện CMHS trường nói lên tiếng nói, nguyện vọng của phụ huynh toàn trường, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình; phát huy được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, công tác xã hội hóa của một số nhà trường.

Vấn đề thu chi cần công khai, minh bạch, đúng quy định và có sự thống nhất giữa nhà trường và ban đại diện CMHS trường, lớp. Sự kiên quyết, nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy định của người đứng đầu nhà trường cũng vô cùng quan trọng. Hiệu trưởng phải giám sát và liên đới trách nhiệm nếu ban đại diện CMHS trường, lớp làm sai quy định.

“Có ý kiến cho rằng nên xóa bỏ ban đại diện CMHS, tôi cho đó là ý kiến phiến diện, thiếu thực tế. Quy định đã có thì cần phải giám sát thật chặt chẽ để thực hiện tốt vai trò. Còn việc có nên chỉnh sửa hoặc ban hành văn bản mới thay thế Thông tư 55/2011 hay không, điều này cần căn cứ vào thực tế triển khai về hoạt động của ban đại diện CMHS ở các địa phương, Bộ GD&ĐT cần có khảo sát kỹ lưỡng để đưa ra quyết định phù hợp”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nói.

Thời gian qua, có ý kiến phản đối việc ban đại diện CMHS dùng quỹ lớp để tặng quà cho giáo viên. PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nêu quan điểm, việc làm đó về mục đích không phải lúc nào cũng xấu nhưng cách làm lại chưa ổn. Mong mỏi lớn nhất của thầy cô là học trò ngày càng tiến bộ, trưởng thành. Đến những ngày lễ như 20/11, mỗi lời chúc chân thành hoặc tấm thiệp nhỏ tự tay học trò làm tặng thầy cô đã thể hiện tình cảm và sự tri ân. Ban đại diện CMHS nên dùng quỹ lớp để chi cho các hoạt động đúng quy định, bổ ích của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.