Tăng cường đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho sinh viên sư phạm

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV về đổi mới, bổ sung nội dung đào tạo trong các trường sư phạm, tăng cường đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm đối với sinh viên.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Hữu Cường
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Hữu Cường

Bộ GD&ĐT trả lời như sau:

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tăng cường đổi mới nội dung đào tạo trong các trường sư phạm, tăng cường đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm đối với sinh viên thông qua:

Thứ nhất: Ban hành Chỉ thị 1737/CT- BGDĐT ngày 7/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, trong đó có yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên:

Tiến hành rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới;

Tăng cường tổ chức các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm.

Thứ 2: Ban hành Chỉ thị số 2919 /CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục, trong đó đề nghị các trường:

Triển khai thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, xây dựng nội dung đào tạo về khởi nghiệp đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường đại học bảo đảm hiệu quả, phù hợp thực tiễn; biên soạn bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm trong cả nước;

Chủ động đổi mới phương thức đào tạo theo hướng phối hợp hiệu quả và chặt chẽ giữa đào tạo trong và ngoài nhà trường, cụ thể các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng chương trình đào tạo mới với sự tham gia của các bên liên quan (doanh nghiệp sử dụng lao động, đơn vị có cơ sở thực hành, thực tập...), công nhận thời lượng và kiến thức khi sinh viên học tập, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên thường xuyên cập nhật đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng chuẩn đầu ra giáo viên các cấp, phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới.

Trong khuôn khổ dự án “Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (ETEP) với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, Bộ GD&ĐT đang triển khai hỗ trợ các cơ sở đào tạo sư phạm xây dựng 50 chương trình đào tạo sư phạm mới theo cách tiếp cận năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sách giáo khoa phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ