Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ
Thảo luận về vấn đề kinh tế-xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho biết, theo thông tin Tổng cục Thống kê mới công bố về tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng tích cực trên nhiều lĩnh vực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tiếp tục tăng 8,3 %, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7 %. Đây là năm thứ 8 tiếp tục kiểm soát lạm phát được dưới 4 %.
Nhờ vậy, ngày 26/5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ BB lên BB+ với mức triển vọng ổn định, ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều thách thức. Đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.
Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động không thuận lợi cho quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Xung đột Nga, Ukraine tiếp tục kéo dài cùng với các chính sách cấm vận của Nga từ Hoa Kỳ, châu Âu đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia.
Cho đến giờ phút này, các quốc gia lớn đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất điều hành làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới.
Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6 đến 6.5%, kiểm soát lạm phát 4 % trong năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực. Trước mắt cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu.
Bên cạnh đó hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi té nước theo mưa và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng thời Chính phủ cần tập trung kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhanh, hiệu quả gói tài khóa tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Trước mắt, cần ưu tiên triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp, nền tảng công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Đây là thế mạnh của nước ta và các nước trên thế giới đang bị khủng hoảng lương thực. Triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải tiếp tục cắt giảm các khoản chi chưa cấp thiết, phối hợp hài hòa, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Theo đó, chính sách tiền tệ phải theo hướng thận trọng, điều hành lãi suất theo lạm phát cơ bản, lạm phát mục tiêu, ưu tiên dòng vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ, không để lãi suất tăng cao, cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ) cho rằng, nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, các yếu tố bên ngoài tác động do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.
Một là: Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài khi giá cả thế giới tăng thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng ngay.
Hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%, riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021, tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri, nhân dân được biết và chia sẻ.
Hai là: Để tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 43 của Quốc hội, một trong những giải pháp quan trọng là phải giải quyết một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đầu tư công... Một số dự án đầu tư công chậm triển khai là do vướng mắc về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng cũng do cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập.Trong khi đó, Nghị quyết 43 của Quốc hội chỉ được áp dụng cho 2 năm là 2022 và năm 2023.
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết, phát huy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên theo phân cấp quản lý để đạt được mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.