Nâng chất CNTT cho giáo viên
ThS Trần Văn Hưng và ThS Nguyễn Thanh Tuấn thuộc Khoa Tin học – Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng trong một điều tra khảo sát ở 13 trường tiểu học tại Đà Nẵng đã đưa ra kết quả.
Về thái độ sử dụng CNTT trong dạy học, đa số giáo viên đều thích ứng dụng CNTT trong dạy học: Thích (50%), rất thích (26%) và bình thường chiếm 23%, không thích chiếm 1%. Về mức độ thành thạo CNTT trong dạy học thì có hơn một nửa số giáo viên được điều tra đánh giá mình thành thạo (thông qua khảo sát các kĩ năng soạn thảo văn bản, PowerPoint, Internet... Cụ thể mức độ thành thạo rất tốt chiếm 17%; Tốt 46%; Bình thường chiếm 35% và Không tốt chiếm 2%.
Ngoài việc khảo sát thực tế, qua việc lấy ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục đã cho rằng: Nhiều giáo viên còn chưa có đủ điều kiện có được máy tính, máy in để soạn giáo án. Nhiều giáo viên lúng túng khi sử dụng máy tính và các phần mềm văn phòng để soạn giáo án, chưa biết khai thác mạng internet để sưu tầm giáo án, tư liệu phục vụ cho giáo án.
Mặt khác, một số giáo viên lợi dụng mạng internet để khai thác một cách tiêu cực giáo án của đồng nghiệp như: Sao chép y nguyên, không có sự nghiên cứu, không có chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện dạy học của mình. Giáo án sao chép từ nhiều nguồn nên bộ font chữ lộn xộn, không thực hiện theo đúng thể thức trình bày văn bản thông thường.
Giáo viên không đủ trình độ tin học để sửa lỗi theo ý mình. Tất cả những việc làm đó không những không mang lại hiệu quả cho việc dạy học bằng giáo án đánh máy mà còn làm cho người dạy lười không nghiên cứu bài dạy và kết quả là làm cho tiết dạy đạt hiệu quả thấp. Cần có sự điều chỉnh, khắc phục, bồi dưỡng thêm để giáo viên nâng cấp hơn về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ứng dụng CNTT trong giảng dạy.
Chuẩn năng lực ứng dụng CNTT cho nhà giáo
Nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam, CNTT đã được tích hợp vào chương trình học tập ở phổ thông. Việc ứng dụng CNTT để giảng dạy tất cả các môn học khác là việc làm mang lại nhiều hiệu quả.
Hơn nữa, với sự ra đời của internet, mọi giáo viên và học sinh làm quen và áp dụng được các kiến thức CNTT vào giảng dạy và học tập đã trở thành một hiện thực sinh động có kết quả tốt. Hiện thực đó đã minh chứng một điều: CNTT là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng của giáo dục.
Phát triển nguồn nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT trong giáo dục phải là một nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của nền giáo dục. Quan trọng hơn thế những người hoạt động trong ngành giáo dục, đặc biệt là các giáo viên, ngoài hiểu biết về lợi ích, hiệu quả của CNTT mang đến trong dạy học, cần phải biết cả những khó khăn, hạn chế của nó để tìm cách khắc phục, xử lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Mặt khác, việc kết hợp CNTT gắn với năng lực ngôn ngữ và phương pháp sư phạm cũng là một năng lực đặc biệt mà giáo viên cần phải quan tâm. Đó cũng được xem như một năng lực cần thiết về việc sử dụng CNTT trong dạy học của giáo viên nói chung.
Thông qua việc phân tích và đánh giá được thực trạng sử dụng CNTT hiện nay ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhóm tác giả ThS Trần Văn Hưng và ThS Nguyễn Thanh Tuấn (Khoa Tin học – Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) đã xây dựng chuẩn năng lực ứng dụng CNTT cho giáo viên tiểu học.
Chuẩn đề ra 7 tiêu chuẩn và 27 tiêu chí. Trong đó đáng chú ý: Giáo viên có kiến thức và các kĩ năng cơ bản về CNTT để có thể sử dụng được máy tính phục vụ cho công việc dạy học của mình một cách thông thường nhất.
Điều đó thể hiện qua các tiêu chí như: Có các kĩ năng cơ bản như bật, tắt thiết bị; mở, đóng các chương trình ứng dụng. Biết bật tắt máy chiếu, điều chỉnh thông thường như to, nhỏ, nét sáng, mở. Biết đóng, mở các cầu dao, công tắc điện, ổn áp, các nguồn phục vụ cho máy tính.
Sử dụng được hệ điều hành Windows với các thao tác cơ bản. Soạn thảo được văn bản bình thường; Sử dụng được trình duyệt internet để tìm kiếm tài liệu. Tải được tài liệu, gửi email trao đổi với đồng nghiệp để chia sẻ tài liệu.
Cùng với đó là một số chuẩn cơ bản khác như: Có hiểu biết cơ bản liên quan đến pháp luật khi sử dụng CNTT; Sử dụng các công cụ CNTT để hỗ trợ cho bài giảng của mình trên lớp, đáp ứng được mục tiêu của tiết dạy. Áp dụng được các phần mềm ứng dụng, tiện ích vào quá trình hoạt động nhằm đẩy mạnh việc dạy học một cách hiệu quả.
Xây dựng và thiết kế nội dung chương trình dạy học bằng hình thức một giáo án điện tử, bài giảng điện tử nhằm nâng cao hiệu quả việc dạy và học. Thiết kế và quản lí các hoạt động dạy học bằng CNTT phù hợp để đạt được mục tiêu giáo dục. Sử dụng CNTT để nâng cao năng lực giao tiếp, khả năng hợp tác và tính hiệu quả trong giảng dạy…
Có thể nói, trong quá trình toàn cầu hóa và thay đổi, CNTT và truyền thông (bao gồm các hệ thống truyền hình, video, cũng như các công nghệ kĩ thuật số mới hơn như máy tính và internet) được coi là những công cụ tiềm năng mạnh mẽ có khả năng tạo ra những thay đổi và cải cách cho giáo dục.
Vì vậy nếu sử dụng CNTT và truyền thông một cách hợp lí có thể giúp mở rộng đường tiếp cận giáo dục, tăng cường bổ trợ giáo dục ở những nơi làm việc liên quan đến kĩ thuật số đang không ngừng tăng lên và nâng cao chất lượng giáo dục dưới nhiều hình thức mà một trong số đó là việc giúp quá trình dạy và học trở nên năng động, hấp dẫn được liên hệ với thực tiễn cuộc sống.
Tăng cường và xây dựng chuẩn năng lực ứng dụng CNTT cho giáo viên trong nhà trường ở các cấp là việc làm cần thiết và không thể xem nhẹ, thậm chí cấp bách trong quá trình đổi mới cơ bản giáo dục.