Tăng cao số trẻ nhiễm bệnh do thời tiết

GD&TĐ - Từ đầu tháng 8 đến nay, người dân khu vực phía Bắc thường xuyên chứng kiến cảnh sáng nắng, chiều mưa. 

Tăng cao số trẻ nhiễm bệnh do thời tiết

Thậm chí, trong buổi sáng, nắng - mưa xen kẽ nhau khiến không khí lúc oi nóng, khi ẩm ướt, cộng với việc bị dính nước mưa nên nhiều người đổ bệnh. Kiểu thời tiết này cũng là khắc tinh với sức khỏe trẻ em. Bằng chứng là những ngày qua, trẻ thi nhau ốm, đến viện khám và điều trị.

 Thời tiết bất thường

Từ đầu năm đến nay, người dân nước ta chứng kiến sự thay đổi thất thường của thời tiết. Ngay sau Tết Nguyên đán, tiết trời đã báo hiệu một mùa hè nóng nực. Hiện tượng EL Nino trải dài từ miền Trung và miền Tây Nam Bộ khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Thiếu nước sinh hoạt, thực phẩm khan hiếm… là nguyên nhân gây không ít bệnh.

Điển hình nhất của tình trạng El Nino kéo dài là việc sốt xuất huyết bùng phát ở khu vực Tây Nguyên. Đây là bệnh phổ biến ở hai miền Nam - Bắc nhưng nay lại xuất hiện nhiều ở Tây Nguyên một phần do người dân chưa có kháng thể nhưng phần nhiều nguyên nhân liên quan đến El Nino đã tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển rồi việc người dân phải tích trữ nước lâu ngày…

El Nino và La Nina như cặp bài trùng. Hết El Nino, La Nina sẽ xuất hiện. Năm nay, mới đầu mùa mưa bão mà miền Bắc đã tiếp đón 3 cơn bão, trong đó 2 cơn đổ bộ trực tiếp. Nắng nóng - mưa dầm là hiện tượng phổ biến trước và sau khi có bão. Mực nước các sông lên cao gây lụt cục bộ. Ở miền núi thì lũ quét, sạt lở đất. Nhiều năm nay, Hà Nội là địa phương ít bị ảnh hưởng nặng nề từ bão nhưng năm nay, mới đầu mùa mà thiệt hại về tài sản cũng đáng kể.

Đi kèm dịch bệnh

Mưa - nắng thay nhau xuất hiện trong ngày khiến mọi người đều cảm thấy khó chịu. Những ngày này, người mắc bệnh mãn tính, người già luôn cảm thấy bứt dứt trong người bởi nhiệt độ lúc cao lúc thấp còn độ ẩm thì luôn ở ngưỡng trên 70%.

Người lớn đã vậy, trẻ nhỏ gặp kiểu thời tiết này chỉ còn nước… ốm. Chị Nguyễn Thu Hòa (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Độ ẩm cao nên về đến nhà là bật điều hòa nhưng đứa lớn, đứa bé chỉ chịu được 1 tuần là ốm. Ban đầu là cô em ho, sổ mũi kèm sốt. Đi khám bác sĩ kết luận viêm mũi xuất tiết kèm viêm họng. Mấy hôm sau, cô chị húng hắng ho về đêm nhưng 2 hôm sau đi khám thì viêm VA chảy xuống họng. Tương tự, con vợ chồng anh chị Tuấn - Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng liên tục ốm mấy tuần nay. Chị Hoa cho biết: Cháu bắt đầu đi nhà trẻ từ đầu tháng 8 nhưng mới đi được 2 buổi thì sốt, đưa đi viện bác sĩ giữ lại luôn do viêm phế quản lan xuống phổi.

Năm nào cũng vậy, thời tiết giao mùa cộng với mưa bão khiến độ ẩm cao tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) mỗi ngày có khoảng 300 - 400 bệnh nhi tới khám, tăng khoảng 20%, trong đó, khoảng 100 bệnh nhi khám vào ban đêm. Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), tỷ lệ bệnh nhân tới khám cũng tăng khoảng 20 - 25% với các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản... Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 bệnh nhi. Điều đáng nói là số bệnh nhân nặng phải thở máy, thở oxy lên tới gần 220 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), số bệnh nhi sơ sinh cũng gia tăng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân do đây là mùa đỉnh điểm của các bệnh đường hô hấp ở trẻ và cũng là thời điểm khiến sức đề kháng của trẻ giảm cùng với mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên.

Sau bão lũ, nhóm bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bị ảnh hưởng thường dễ bùng phát, bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng, viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da... Nhóm các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn. Viêm gan virus A, E, một số các bệnh như đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn... cũng dễ xảy ra trong các khu vực bị ngập lụt. Bên cạnh đó cần đề phòng nhóm các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ như sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét…

- Bệnh hô hấp ở trẻ diễn biến nhanh, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Có trẻ không sốt, thậm chí thân nhiệt hạ nhưng khi vào viện đã viêm phổi nặng. Do đó cha mẹ cần theo dõi trẻ hàng ngày, khi thấy trẻ khó thở, bỏ bú, quấy khóc… cần đưa đi khám.

- Không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi việc điều trị không đúng chỉ làm bệnh nặng thêm, kháng thuốc… khó điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...