Bởi vì, mỗi đỉnh núi của nó đại diện cho một thế giới trong quan niệm luân hồi: Kiếp trước, kiếp này và kiếp sau.
Thử thách tu luyện
Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng vào năm 593, Thiên hoàng Sushun – vị vua thứ 32 bị ám sát. Sushun chỉ có một hoàng hậu và 3 hoàng nhi (2 hoàng tử, 1 công chúa). Thái tử đương triều không phải một trong các nhi tử của Sushun, mà là Shotoku – con trai thứ 2 của Thiên hoàng Yomei (vị vua thứ 31).
Sau cái chết của Sushun, Shotoku sắp xếp cho Hachiko - 1 trong 2 hoàng tử của nhà vua này chạy trốn đến Dewa, nơi có 3 ngọn núi thiêng lần lượt là Haguro, Gassan và Yudono. Theo dân gian đồn đại, núi Haguro có Nữ thần Từ bi Kannon trú ngụ.
Khi chạy đến đây, Hachiko đã gặp được bà và quyết định ở lại. Ông cho xây dựng hệ thống đền thờ trên cả 3 ngọn núi, thờ cúng các vị thần, cầu bình an và thịnh vượng cho muôn dân.
Tín ngưỡng Shugendo (thờ núi) chào đời, là sự tổng hòa của 3 tôn giáo thịnh hành ở Nhật Bản: Thần đạo, Phật giáo và Đạo giáo. Nó đặc trưng bởi tư tưởng tu hành khổ, xem sự khắc khổ và hòa mình vào môi trường khắc nghiệt của tự nhiên là con đường thoát tục, dẫn đến giác ngộ.
Người theo Shugendo được gọi là Yamabushi (kẻ quỳ lạy trên núi) hay đạo sĩ/thiền sư khổ hạnh. Họ lấy núi làm nhà, nỗ lực “thoát xác” bằng một loạt các phương pháp tu luyện khổ ải như leo núi đến sức tàn lực kiệt, thiền định dưới thác nước đổ mạnh, nhảy qua lửa cháy lớn… đặc biệt là tự ướp xác - Sokushinbutsu.
Trong tín ngưỡng Shugendo, Sokushinbutsu là hình thức khổ tu cao nhất. Người thực hành phải trải qua 1.000 ngày trên núi và thực hiện chế độ ăn kiêng siêu kham khổ - Mokujikigyo. Họ không được đụng tới bất cứ một hạt ngũ cốc nào, mà chỉ được ăn chút lá thông, vỏ cây, nhựa cây, quả dại lượm nhặt trong rừng.
Sau 1.000 ngày, họ chuyển sang uống trà mủ cây sơn. Nó được làm từ nhựa cây sơn có độc, chống côn trùng. Tiếp đến là bước vào ngồi trong quan tài gỗ hẹp, có gắn ống tre thông khí và bị chôn sống.
Suốt từ lúc bắt đầu Sokushinbutsu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, người khổ tu không ngừng tụng niệm. 1.000 ngày sau khi họ qua đời, người ta mở mộ. Nếu thi thể không bị phân hủy thì đưa ra ngoài, tôn thành Phật sống, rước vào đền thờ cúng.
Thánh địa tuyệt mỹ
Tam sơn Dewa đóng vai trò là cái nôi và thánh địa khổ tu. Trong 3 đỉnh của nó, Haguro đại diện cho hiện tại (kiếp này), Gassan đại diện cho quá khứ (kiếp trước) còn Yudono đại diện cho tương lai (kiếp sau).
Địa thế Tam sơn Dewa rất hiểm trở, khung cảnh hoang vu, huyền bí. Ngày nay, Dewa vẫn là khu rừng cổ thụ nguyên sinh với những cây tuyết tùng cao chót vót, thác nước đổ xiết và các đỉnh đầy sương mù.
Như mọi vùng đất thờ thần ở Nhật Bản, Tam sơn Dewa chào đón bằng cổng torii kỳ vĩ nằm dưới chân núi Hagurocao 414m. Bước qua điểu cư này là tiến vào ngôi chùa gỗ 5 tầng, cổ kính và đẹp lộng lẫy. Dù ngôi chùa cao 30m, nó vẫn lọt thỏm dưới tán của những cây tuyết tùng 1.000 năm tuổi.
Sau ngôi chùa là cầu thang đá ngoạn mục với 2.446 bậc dẫn lên đỉnh núi, được hoàn thành từ năm 1648. Dọc 2 bên lối đi là 580 cây tuyết tùng trăm tuổi, nhiều cây đã ngoài 600 năm.
Không gian vắng lặng, chỉ có tiếng lá, gió và chim hót. Không khí thanh sạch, gột rửa tâm hồn con người. Trên đỉnh Haguro là đền Sanjin Gosaiden nổi tiếng lớn nhất Nhật Bản, mái tranh dày 2m. Nó đóng vai trò đền chính, thờ cúng tất cả các vị thần của Tam sơn Dewa.
Núi Gassan có độ cao 1.984m đã mang đến tầm nhìn toàn cảnh hoàn hảo. Nó sở hữu sườn núi dài, những vạt cỏ và nhiều loài hoa đẹp, thỏa mãn sở thích đi bộ. Núi Yudono có độ cao 1.504m, ở đây có cả suối nước nóng lẫn suối nước lạnh, thác và hồ trong vắt.
“Cho dù bạn là ai, tuổi tác hay thể trạng như thế nào, Tam sơn Dewa cũng có tour du lịch tâm linh, đắm mình vào thiên nhiên”, Yamabushi Kazuhiro – hướng dẫn viên của Dewa tuyên bố.
Thử làm đạo sĩ
Trong quốc đảo Nhật Bản, Tohoku thuộc vùng cực Bắc của đại đảo Honshu. Nó nổi tiếng lắm thiên tai, thường xuyên xảy ra động đất và lở tuyết. Thế nhưng, chính cái khắc nghiệt của tự nhiên này lại là điểm hấp dẫn với các Yamabushi.
Trước thời Minh Trị (1868 - 1912), Nhật Bản cực kỳ thịnh hành Sokushinbutsu. Mặc dù chỉ có một số ít thiền sư khổ hạnh thành công “hóa Phật”, các tín đồ Shugendo vẫn bất chấp thực hiện theo.
Vào năm 1877, chính phủ Minh Trị phải ban pháp lệnh cấm thực hành Sokushinbutsu. Ngày nay, Nhật Bản có khoảng 6.000 Yamabushi. Tất cả họ đều phải trải qua và hoàn thành “khóa huấn luyện” kéo dài 1 tuần mang tên Akinomine Autumn Peak Ritual, rồi mới được công nhận.
Khóa đào tạo Yamabushi có 2 cấp độ: Sơ cấp (dành cho người hiếu kỳ) và chuyên sâu (dành cho tín đồ). Trong khóa chuyên sâu, người tham gia “ngắt kết nối” hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ không được phép truy cập Internet và tắm rửa, phải học tập và tham dự các nghi lễ, nghi thức thanh tẩy, thực hành quá trình khổ tu.
Khóa sơ cấp thì chỉ như trải nghiệm thử làm đạo sĩ, thời gian tùy chọn 1 - 4 ngày. Người tham gia cũng phải tắt điện thoại, cất đồng hồ, không đánh răng, cạo râu, đọc, viết hay nói chuyện trong toàn khóa học. “Chúng tôi muốn mọi người chỉ tập trung và đối diện với chính mình”, Maiko Ito – Trưởng dự án đào tạo Yamabushi cho biết.
Hoạt động chính của khóa sơ cấp là đi bộ, chinh phục 3 đỉnh núi của Tam sơn Dewa. Trong lúc im lặng lội bộ, “học viên” được khuyến khích tận hưởng cảnh sắc, không khí và lý giải bản ngã. “Chỉ khi đã hiểu rõ bản thân rồi, bạn mới nên suy nghĩ về những gì mình muốn làm hay cống hiến cho xã hội”, Ito khẳng định.
Gần đây, Tam sơn Dewa còn cung cấp khóa đào tạo Yamabushi bằng tiếng Anh, mỗi năm thu hút hàng nghìn người đăng ký. Nhiều “học viên ngoại quốc” của họ là tỷ phú, triệu phú, chủ tịch, giám đốc tập đoàn kinh tế lớn - những người mệt mỏi vì chức vị và công việc, muốn tạm quên thực tại đau đầu.