Tam quốc diễn nghĩa: Bước ngoặt làm nên một Khổng Minh kiệt xuất trong lịch sử

Có rất nhiều điển cố, điển tích về cuộc đời của Gia Cát Lượng, trong đó đáng kể đến là câu chuyện Gia Cát Lượng bái sư học Đạo.

Tam quốc diễn nghĩa: Bước ngoặt làm nên một Khổng Minh kiệt xuất trong lịch sử

Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh (181 - 234), hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam quốc. Ông làm đến chức thừa tướng của nhà Thục. Sau khi ông qua đời người đời vinh danh là “vạn đại quân sư” (quân sư nghìn đời).

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Bước ngoặt làm nên một Khổng Minh kiệt xuất trong lịch sử

Gia Cát Lượng tư chất thông minh hơn người.

Gia Cát Lượng không chỉ được người đời biết đến là một nhà quân sự, chính trị kiệt xuất và cũng là một nhà phát minh tài ba, mà xung quanh cuộc đời ông còn có rất nhiều điển cố, điển tích trong đó đáng kể đến là câu chuyện “Gia Cát Lượng cầu học”.

Đây là bước ngoặt quan trọng tạo nên một Gia Cát Lượng anh tài kiệt xuất trong lịch sử.

Gia Cát Lượng bị thầy đuổi học

Người thầy đầu tiên của Gia Cát Lượng là Thủy Kính tiên sinh. Ông sinh sống ở Thủy Kính trang thuộc phía nam của  thành Tương Dương. Trong nhà ông có nuôi một con gà trống. Con gà trống này có thói quen đó là đúng vào buổi trưa hàng ngày đều gáy ba tiếng. Mỗi lần con gà trống vừa cất tiếng gáy thì Thủy Kính tiên sinh cũng bắt đầu cho học trò tan học.

Gia Cát Lượng bởi vì ham học nên trong lòng luôn mong muốn Thủy Kính tiên sinh dạy nhiều hơn nữa. Vì thế, mỗi lần nghe thấy tiếng con gà cất tiếng gáy thì cậu bé Gia Cát Lượng lại đưa mắt nhìn con gà với vẻ mặt buồn rầu.

Về sau, Gia Cát Lượng nghĩ ra một cách để kéo dài giờ học. Mỗi lần lên lớp, Gia Cát Lượng lại đem theo một túi thóc nhỏ. Đợi đến lúc gà trống sắp gáy, Gia Cát Lượng lẳng lặng rắc thóc ra bên ngoài cửa sổ cho gà ăn để nó không gáy nữa. Cứ như vậy, hàng ngày khi gà ăn hết thóc và cất tiếng gáy thì giờ học cũng kéo dài thêm được một canh giờ.

Một thời gian sau, Thủy Kính tiên sinh đã phát hiện ra bí mật này. Ông tức giận vì hiểu lầm rằng: “Tên tiểu tử này cố ý giễu cợt ta”. Thế là, ông đuổi Gia Cát Lượng về, không cho học nữa.

Sau khi Gia Cát Lượng trở về nhà, sư mẫu (vợ của Thủy Kính tiên sinh) đã thay học trò cầu xin: “Gia Cát Lượng làm như vậy, cũng là vì muốn học. Hay là tha cho cậu ấy một lần đi!”.

Thủy Kính tiên sinh biết rõ Gia Cát Lượng thông minh hơn người lại vô cùng ham học nên cũng rất yêu quý cậu. Cuối cùng, ông cân nhắc: “Có tha cho Gia Cát Lượng hay không còn tùy thuộc vào phẩm hạnh của cậu ta như thế nào?”.

Vì thế, ông bèn sai bảo thư đồng (người hầu hạ đèn sách) đến Long Trung, nơi Gia Cát Lượng ở để bí mật quan sát.

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Bước ngoặt làm nên một Khổng Minh kiệt xuất trong lịch sử (Hình 2).

Ba phẩm chất của Gia Cát Lượng “thu phục” Thủy Kính tiên sinh.

Thư đồng sau một thời gian quan sát, đã trở về và báo lại với Thủy Kính tiên sinh ba việc. Việc thứ nhất chính là mẹ của Gia Cát Lượng rất sợ cái lạnh giá của mùa đông. Vì thế, Gia Cát Lượng thường lên núi cắt cỏ về phơi khô rồi trải lên giường để mẹ nằm cho đỡ lạnh.

Hơn nữa, mỗi buổi tối Gia Cát Lượng đều tự mình nằm lên chiếc giường cỏ ấy để sưởi ấm rồi mới mời mẹ đi ngủ.

Việc thứ hai là nhà của Gia Cát Lượng cách giếng nước chỉ hai bờ ruộng trồng rau màu. Nhưng Gia Cát Lượng thấp bé nên mỗi lần đi lấy nước thì đều sợ thùng nước va quệt vào làm hỏng bờ rào và rau của nhà họ. Vì thế, mỗi lần đi lấy nước, thay vì đi đường ngắn, Gia Cát Lượng lại men theo con đường dài dưới chân núi để đi. Cho nên, việc lấy nước như vậy cũng khó khăn và vất vả hơn.

Việc thứ ba là trước đây, thời Gia Cát Lượng còn chưa đi học từng xin thỉnh giáo từ một thư sinh gần nhà. Về sau , vì ham học hỏi, tài đức đã vượt xa vị thư sinh này, nhưng mỗi khi gặp mặt, Gia Cát Lượng vẫn không quên ơn xưa và luôn khiêm tốn đối đãi với người này.

Thủy Kính tiên sinh sau khi nghe xong, cao hứng gật đầu và nói: “Gia Cát Lượng ngày sau nhất định sẽ là anh tài hào kiệt”. Ông cũng lập tức thúc giục thư đồng dẫn đường vì muốn đích thân đến nhà đón Gia Cát Lượng về học tiếp.

Thủy Kính tiên sinh càng dạy bảo càng biết rõ được phẩm đức của Gia Cát Lượng. Vì thế, ông thường khen ngợi phẩm đức của Gia Cát Lượng. Đồng thời, ông cũng dốc hết tâm sức để truyền dạy học thức cho người học trò này.

Về sau, Gia Cát Lượng quả thực đã trở thành một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất. Nguyên nhân được cho là chủ yếu do ông học rộng tài cao nhưng điều quan trọng khiến người đời kính trọng ông lại chính là nhân phẩm và đạo đức làm người.

Truyền thuyết dân gian

Tương truyền, gia cảnh nhà Gia Cát Lượng vốn rất nghèo khổ. Ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, ông đã phải chăn cừu trên núi. Trên núi có một đạo quán, trong đạo quán có một lão đạo sĩ tóc bạc.

Lão đạo sĩ mỗi ngày đều ra ngoài du ngoạn. Một ngày nọ, ông trông thấy Gia Cát Lượng và thử trêu đùa cậu bé, thì cậu bé cũng đùa lại với ông. Từ đó Gia Cát Lượng và lão đạo sĩ thường trò chuyện với nhau bằng cách ra dấu tay. Lão đạo sĩ thấy Gia Cát Lượng thông minh khả ái nên đã tiện thể trị bệnh cho cậu. Không lâu sau, bệnh câm của Gia Cát Lượng đã được chữa khỏi.

Khi có thể nói được, Gia Cát Lượng vô cùng cao hứng; cậu hướng về lão đạo sĩ để bái tạ. Lão đạo sĩ nói: “Hãy về nhà nói với cha mẹ rằng ta sẽ thu con làm đồ đệ, dạy con biết đọc biết viết, học thiên văn địa lý, và phép dùng binh bằng Âm Dương Bát Quái. Nếu cha mẹ con đồng ý, thì hằng ngày con hãy đến đây học, không được bỏ buổi nào”.

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Bước ngoặt làm nên một Khổng Minh kiệt xuất trong lịch sử (Hình 3).

Từ nhỏ, Gia Cát Lượng đã theo thầy học Đạo.

Kể từ đó, Gia Cát Lượng bái lão đạo sĩ làm sư phụ. Bất chấp gió mưa, hàng ngày Gia Cát Lượng đều lên núi nghe giảng. Cậu thông minh hiếu học, chuyên tâm ghi nhớ, sách chỉ xem qua là đã hiểu, nghe giảng xong là đã nhớ. Vì thế lão đạo sĩ ngày càng thêm quý mến cậu học trò.

Một ngày nọ, khi Gia Cát Lượng đang xuống núi và đi qua một cái “am” bỏ hoang, thì bất ngờ một trận cuồng phong thổi tới, kèm theo mưa gió rợp trời dậy đất. Gia Cát Lượng vội lánh vào trong am để trú mưa, thì bỗng nhiên, một người con gái cậu chưa từng trông thấy tới nghênh đón cậu vào trong. Chỉ thấy cô gái này mày nhỏ mắt to, mảnh mai kiều diễm, tựa như tiên nữ hạ phàm. Gia Cát Lượng cảm thấy bị cuốn hút bởi cô gái.

Khi trời tạnh mưa, cô gái tiễn cậu ra cửa, cười nói: “Hôm nay chúng ta coi như đã biết nhau. Từ nay về sau khi lên núi xuống núi thì xin hãy qua đây nghỉ ngơi và dùng trà”.

Lúc Gia Cát Lượng từ trong “am” đi về thì thấy có chút kỳ quái, làm sao nơi chưa từng đến này lại có người ở.

Từ đó về sau, mỗi lần Gia Cát Lượng tới “am”, người con gái không chỉ ân cần tiếp đãi, mà còn có thịnh tình muốn giữ lại dùng cơm. Ăn cơm xong hai người không chỉ cười nói mà còn đánh cờ giải khuây. So với đạo quán, nơi đây quả thực là một thế giới khác hẳn. Gia Cát Lượng bắt đầu mê muội mà không tự nhận ra.

Tâm trí Gia Cát Lượng trở nên bị ảnh hưởng, và cậu cảm thấy chán nản khi học tập. Sư phụ giảng đến đâu thì quên đến đó, lời giảng đi vào tai này rồi xuất ra tai kia, không thể ghi nhớ, lúc đọc sách thì không biết là nói về cái gì, càng xem càng không nhớ.

Lão đạo sĩ biết có vấn đề, bèn gọi Gia Cát Lượng đến, thở dài một tiếng rồi nói: “Hủy cây thì dễ, trồng cây thì khó. Ta đã tốn quá nhiều công sức vì ngươi rồi”.

Gia Cát Lượng nghe sư phụ nói biết có chuyện, vội cúi đầu nói: “Sư phụ! Con sẽ không phụ sự khổ tâm của ngài”.

“Lời này hiện tại ta không thể tin”, lão đạo sĩ nhìn Gia Cát Lượng và nói: “Ta thấy ngươi là đứa trẻ thông minh, định dạy ngươi thành tài, nên mới trị bệnh cho ngươi, thu ngươi làm đồ đệ. Mấy năm trước ngươi thông minh cần mẫn, sư phụ ta khổ tâm dạy ngươi cũng không cảm thấy khổ; nào ngờ giờ đây ngươi từ cần mẫn thành lười nhác, tuy thông minh mà cũng uổng công, lại còn nói sẽ không phụ một phen khổ tâm của ta, ta tin sao được?”.

Lão đạo sĩ lại nói: “Gió không thổi, cây không động, thuyền không đảo, nước không đục”. Nói rồi chỉ vào cây cổ thụ bị rất nhiều dây mây cuốn vào ở trong sân cho Gia Cát Lượng xem. “Ngươi xem, cái cây kia tại sao sống dở chết dở, không thể tăng trưởng lên được?”.

“Bởi vì dây mây cuốn rất chặt vào nó khiến nó không lớn được”, Gia Cát Lượng đáp.

“Đúng rồi, cái cây này ở trên núi, nơi đất đá khô cằn, rất cực khổ nhưng vẫn sống tốt vì nó quyết chí mọc rễ xuống dưới, đâm cành lên trên, không sợ nóng, không sợ lạnh, nên càng ngày càng cao lớn. Thế nhưng cái dây mây chỉ cuốn một lúc mà nó đã không lớn lên được, đây gọi là ‘lạt mềm buộc chặt’ đấy!”, lão đạo sĩ nói tiếp.

Vốn thông minh nhanh trí, Gia Cát Lượng không giấu giếm mà hỏi ngay sư phụ: “Sư phụ, sao ngài biết chuyện?”.

Lão đạo sĩ nói: “Gần nước biết tính cá, gần núi rõ tiếng chim. Ta xem thần sắc ngươi, quan sát hành động của ngươi, còn không biết tâm sự của ngươi hay sao?”.

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Bước ngoặt làm nên một Khổng Minh kiệt xuất trong lịch sử (Hình 4).

Cô gái xinh đẹp thực chất là một con hạc tiên phạm tội trời bị đày xuống trần.

Lão đạo sĩ ngừng lại một lúc rồi nghiêm sắc mặt, nói: “Nói thật cho ngươi rõ, đứa con gái mà ngươi thích kia chẳng phải là người, nó nguyên là một con tiên hạc trên Thiên Cung, chỉ vì ăn vụng hội bàn đào của Vương Mẫu mà bị Thiên Cung đánh hạ xuống để chịu khổ.

Tới nhân gian, nó hóa thành mỹ nữ, văn võ thì không, cày bừa chẳng biết, chỉ biết tầm hoan tác nhạc. Ngươi thấy tướng mạo nó đẹp, nhưng nó chỉ biết có ăn ngủ thôi. Ngươi cứ thần hồn điên đảo thế này, cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì đâu. Nếu không theo nó chiều ý nó, nó còn làm hại ngươi”.

Gia Cát Lượng nghe xong sợ quá, vội hỏi xem phải làm sao.

Lão đạo sĩ nói: “Con tiên hạc này có thói quen, là mỗi khi đêm đến thì nó hiện nguyên hình, bay lên thiên hà tắm rửa. Lúc ấy, ngươi tiến vào phòng nó, lấy y phục nó đem đốt đi, y phục nó là mang từ trên Thiên Cung xuống. Bị đốt rồi thì nó không thể hóa thành mỹ nữ được nữa”.

Gia Cát Lượng nghe lời sư phụ dặn dò và rời đi. Trước khi đi, lão đạo sĩ đưa cậu một cây gậy đầu rồng và nói: “Con hạc này khi phát hiện trong am phát hỏa, sẽ lập tức từ thiên hà phi trở xuống, gặp ngươi đang đốt xiêm y của nó, tất không chịu thua. Nếu nó làm hại ngươi, hãy dùng quải trượng này đánh nó, nhớ đấy!”.

Giờ Tý đêm hôm đó, Gia Cát Lượng nhẹ nhàng vào trong “am”, mở cửa phòng, quả nhiên thấy trên giường có một bộ xiêm y, nhưng không thấy người đâu. Cậu lập tức nhóm lửa đốt cháy bộ xiêm y.

Tiên hạc đang lúc tắm rửa trên thiên hà, đột nhiên thấy trong lòng bất an, vội vàng đi xuống nhìn quanh thì thấy trong “am” có lửa, vội vàng hét to rồi phi trở xuống. Khi thấy Gia Cát Lượng đang đốt xiêm y, nó nhào tới và dùng mỏ mổ vào mắt Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng nhanh mắt nhanh tay, cầm lấy quải trượng, lập tức đánh con hạc rớt xuống đất.

Cậu vội chìa tay ra chộp nhưng chỉ nắm được cái đuôi. Tiên hạc liều mạng vùng vẫy thoát ra, vỗ cánh thật mạnh rồi bay vọt lên không trung, nhưng đám lông đuôi thì bị Gia Cát Lượng dứt đứt hết.

Tiên hạc bị cụt đuôi, không còn giống những tiên hạc khác trên Thiên Cung nữa nên vô cùng xấu hổ. Từ đó nó không dám lên thiên hà tắm rửa nữa, cũng không thể biến lại thành mỹ nữ vì đã bị đốt mất xiêm y, đành vĩnh viễn ở tại nhân gian, chui vào lẫn lộn với bầy bạch hạc.

Từ đó Gia Cát Lượng không quên bài học này, đem đám lông đuôi tiên hạc đi cất giữ cẩn thận, lấy đó làm tấm gương để răn mình.

Theo Nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ