Chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học ĐHQGHN giai đoạn 2026 - 2031, vừa được Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt đặt mục tiêu tuyển chọn khoảng 300 ứng viên ưu tú là học sinh, sinh viên xuất sắc, có đam mê nghiên cứu và khát vọng trở thành giảng viên, nhà khoa học tương lai của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tiêu chuẩn tuyển chọn được đặt ra rất cao, không chỉ dựa trên thành tích học tập mà còn yêu cầu ứng viên có năng lực ngoại ngữ tốt, tư duy phản biện sắc bén, khả năng nghiên cứu độc lập và cam kết gắn bó lâu dài với nhà trường. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên hỗ trợ các ứng viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu tinh thần vượt khó và nguyện vọng cống hiến cho khoa học.
Lộ trình đào tạo được thiết kế cá nhân hóa tối ưu, bao gồm các chương trình bồi dưỡng trong và ngoài nước, hợp tác với các đại học và viện nghiên cứu danh tiếng như Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Paris-Saclay (Pháp), Đại học KU Leuven (Bỉ), Đại học Arizona (Mỹ), Học viện Ngoại giao Moskva (Nga), cùng nhiều đối tác quốc tế khác. Đây là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái ươm mầm trí tuệ trẻ, chuẩn bị lực lượng kế thừa cho các lĩnh vực trọng điểm như khoa học cơ bản, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, y sinh học và kinh tế số.
Lãnh đạo ĐHQGHN cho biết: Chương trình thể hiện tầm chiến lược dài lâu trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ĐHQGHN. Về chính sách đãi ngộ, chương trình mang tính đột phá khi ký hợp đồng đào tạo chính thức ngay từ đầu với các ứng viên, đảm bảo cam kết và trách nhiệm rõ ràng giữa hai bên. Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ toàn diện về học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại, thực tập và nghiên cứu trong và ngoài nước, tương đương với các chương trình học bổng quốc tế uy tín.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia, ứng viên được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm, hỗ trợ học ngoại ngữ, chỗ ở và tiếp cận cơ sở vật chất hiện đại, các phòng thí nghiệm trọng điểm. Sau khi hoàn thành chương trình, những ứng viên xuất sắc sẽ được ưu tiên tuyển dụng chính thức tại ĐHQGHN, đảm bảo phát huy tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, tránh lãng phí tài năng và năng lực nghiên cứu.
Hiện thực hóa quyết tâm này, ĐHQGHN cũng ban hành Đề án “Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế”. Giai đoạn 2024-2025, tập trung phát triển đội ngũ 200 nhà khoa học xuất sắc, mỗi người có ít nhất 4 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, qua đó, tăng số lượng công bố quốc tế lên 400-500 bài so với năm 2023.
ĐHQGHN cũng thành lập Câu lạc bộ Nhà khoa học xuất sắc VNU200 nhằm kết nối, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu chất lượng cao. Trong giai đoạn này, 50 nhóm nghiên cứu mạnh được đầu tư phát triển theo hai hướng chính: nhóm nghiên cứu gắn với sản phẩm ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nhóm nghiên cứu tập trung vào công bố quốc tế đỉnh cao nhằm nâng cao vị thế học thuật của ĐHQGHN.
Giai đoạn tiếp theo từ 2026-2030, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế và lọt vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế. Mục tiêu công bố quốc tế trung bình đạt 1,8 bài báo mỗi giảng viên, phát triển câu lạc bộ 500 nhà khoa học xuất sắc và 1.000 nhà khoa học tiềm năng.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến đầu tư và phát triển 100 nhóm nghiên cứu mạnh, ưu tiên các chương trình đào tạo quốc gia trọng điểm, đồng thời, phát triển 15-20 lĩnh vực khoa học được xếp hạng quốc tế và xây dựng hệ thống tạp chí khoa học chuẩn quốc tế. Ngoài ra, hệ sinh thái doanh nghiệp spin-off, startup trong đại học cũng được xây dựng vững chắc, tạo môi trường nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Đề án đưa ra các chính sách tài chính, ưu đãi vượt trội nhằm thu hút và giữ chân nhà khoa học xuất sắc. Thu nhập của các nhà khoa học được thiết kế theo cơ chế lương cứng kết hợp thu nhập tăng thêm dựa trên hiệu suất công việc (KPI-based Salary), đảm bảo mức thu nhập tối thiểu gấp ba lần đối với nhà khoa học chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội và gấp năm lần đối với nhà khoa học chuẩn quốc tế.
Nhà khoa học xuất sắc còn được ưu tiên tham gia các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của đất nước và đại học, được tài trợ chi phí tham dự hội nghị quốc tế hàng năm, cấp học bổng cho nghiên cứu sinh do họ hướng dẫn, có cơ chế nghỉ nghiên cứu tại các trung tâm khoa học hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, ĐHQGHN Hà Nội chú trọng xây dựng chuỗi đầu tư dài hạn cho các nhóm nhà khoa học theo phân tầng rõ ràng từ nhà khoa học trẻ, tiến sĩ trẻ, phó giáo sư đến giáo sư đầu ngành. Việc tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách đãi ngộ cạnh tranh cùng các hoạt động truyền thông vinh danh kịp thời giúp thúc đẩy động lực nghiên cứu, nâng cao vị thế học thuật cho các nhà khoa học xuất sắc.
"Chúng tôi cũng triển khai cơ chế thưởng công trình đột phá với mức thưởng hấp dẫn cho các bài báo khoa học thuộc top 1% ngành (200-300 triệu đồng/bài), bài báo nhóm Q1 (100 triệu đồng/bài), cùng mức thưởng cao cho sáng chế quốc tế, lên tới 1 tỷ đồng cho mỗi sáng chế được cấp bằng bảo hộ. Đặc biệt, các nhà khoa học được hưởng phần trăm doanh thu từ việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn" - Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn.