Tấm lòng vàng của vợ chồng người Dân tộc Kor

Tấm lòng vàng của vợ chồng người Dân tộc Kor
Hai vợ chồng cụ Hồ Ngọc Ký
 Hai vợ chồng cụ Hồ Ngọc Ký

Cô giáo Trương Thị Nở, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Sơn, đưa tôi đến gặp cụ. Tiếp tôi trong căn nhà ngói đơn sơ, tựa lưng vào chân núi Bàn Đáo có cả hai vợ chồng cụ, tên ông là Hồ Ngọc Ký, còn bà là Hồ Thị Non. Ông ở cái tuổi ngoài bảy lăm, bà kém hơn ông chừng dăm tuổi và cả hai trông còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và rất vui tính.

Qua tìm hiểu, được biết ông sinh ra và lớn lên tại nơi ông đang ở, thuộc thôn Sơn Bàn, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng. Ông đã sống qua nhiều thời đại và đã từng chung lưng, đấu cật với dân làng trong công cuộc đấu tranh chống “giặc đói”, “giặc dốt”,“giặc ngoại xâm” và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Ông tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, trước năm 1954 tham gia lực lượng vũ trang địa phương chống lại sự đàn áp của Mỹ - Diệm và đã từng làm thầy giáo dạy các lớp “bình dân học vụ” cho những người chưa biết chữ ở quê ông. Sau năm 1954 ông tập kết ra Bắc, tiếp tục học tập và tham gia lực lượng vũ trang của quân đội nhân dân Việt Nam.  Ông gắn bó gần như suốt cuộc đời với binh nghiệp, mãi đến năm 1984 mới về hưu. Sau đó, ông lại tiếp tục tham gia công tác tại địa phương và đã từng giữ chức Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã Trà Sơn, rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và Bí thư Chi bộ thôn Sơn Bàn nhiều nhiệm kỳ.

Nhìn về những dãy núi xa xa, tôi biết trong ông đang trào dâng những kỷ niệm vui buồn của một thời gian khổ và oanh liệt. Duyên nợ của ông cũng bắt đầu từ tình đồng chí. Bà cũng tham gia hoạt động cách mạng từ nhỏ và chủ yếu là hoạt động ở địa phương.

Điểm lẻ của Trường Tiểu học Trà Sơn xây dựng trên diện tích ông Ký hiến tặng
Điểm lẻ của Trường Tiểu học Trà Sơn xây dựng trên diện tích ông Ký hiến tặng

Một trong những việc làm đầy thuyết phục của vợ chồng ông, khiến cho mọi người khâm phục và nhiều thế hệ sẽ ghi nhận tấm lòng của ông, đó là việc ông hiến đất xây trường. Nhìn dãy phòng học khá khang trang thuộc điểm lẻ của Trường Tiểu học Trà Sơn, toạ lạc trên diện tích gần 1.000 m2 tại thôn Sơn Bàn, tôi không ngờ đó chính là đất của riêng ông.

Nghe nói ngày xưa tổ tiên để lại cho ông nhiều đất rừng, ruộng rẫy lắm. Ông thương người nghèo không có đất ở, đất làm nên ông đã nhường bớt cho họ. Mới đây, ông lại cho thêm hai hộ gia đình nghèo làm nhà trên phần đất của gia đình ông.

Biết được băn khoăn của tôi về việc vì sao ông hiến đất xây trường, ông vui vẻ kể: “Ngày trước cả cái làng này mù chữ, một trăm phần trăm nghèo đói, cơ cực, bao nhiêu hủ tục lạc hậu cùng với đạn bom của chiến tranh đè nặng lên vai đồng bào, tưởng chừng người Kor không tồn tại nỗi, nhưng nhờ có Đảng, có Bác Hồ nên người Kor đã biết đoàn kết, yêu thương, chống lại mọi áp bức, bất công, giành lấy sự sống…”

Là người được sớm được tiếp cận với lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ, nên ông nhận thức rất sâu sắc lời dạy của Bác “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì thế, ngay từ nhỏ ông đã ước mong làm một điều gì đó để cho dân tộc mình được tiếp cận với ánh sáng văn hoá, để làm sao cho dân mình “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như lòng mong ước của Bác Hồ.

Vì thế, từ năm 1993, khi có chủ trương dạy “cắm bản” là ông đã dành một khoảng trống trong căn nhà đơn sơ, chật hẹp của mình làm trường để các thầy cô tổ chức dạy học cho các cháu học sinh tiểu học ở quê ông. Vì từ nơi ông ở lên đến điểm trường chính phải đến sáu bảy cây số, các cháu nhỏ lại ở sâu trong rừng, trong suối nên đi lại rất khó khăn. Nếu không có trường dạy học ở đây thì đa số các cháu đều nghỉ học và sẽ mù chữ. Đến năm 1997, khi có quyết định thành lập thêm một điểm trường tiểu học trực thuộc trường Tiểu học Trà Sơn là ông quyết định cắt một phần đất trong vườn nhà mình để cho địa phương xây trường.

Trường ban đầu được xây dựng hai phòng, nhà cấp bốn đơn sơ nhưng cũng tạm đủ phục vụ cho các cháu học sinh ở đây học tập. Năm 2008, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi đã dành nguồn vốn của Dự án Trẻ vùng khó, đầu tư xây dựng lại điểm trường này với 03 phòng học, nhà cấp 4 nhưng rất khang trang, rộng, đẹp.

Đến nay, Trường Tiểu học Trà Sơn có 08 lớp, 17 cán bộ, giáo viên với 157 học sinh. Riêng điểm trường tại thôn Sơn Bàn có 03 lớp, 35 học sinh, hầu hết là con em đồng bào dân tộc Kor. Nhìn các em hồn nhiên, vô tư chăm chú nhìn cô giáo giảng bài mà trong tôi xốn xang một niềm thương khôn tả. Bởi lẽ, so với các em học sinh ở các huyện đồng bằng và thành phố thì các em học sinh ở đây còn chịu quá nhiều những thiệt thòi. Trang phục đến trường của các em trông vẫn còn quá sơ sài, có em áo mặc chưa đủ ấm, cơm ăn chưa đủ no, những mái tóc hoe vàng, những làn da ngăm đen như chứng tỏ một điều sau giờ tan học các em lại mang gùi trên vai đến với núi rừng, nương rẫy…Và tôi cũng nghĩ rằng từ mái trường đơn sơ này, đã có nhiều học sinh được học tập, trưởng thành để rồi đem những hiểu biết của mình về xây dựng quê hương…

Bằng khen ông Hồ Ngọc Ký của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân
Bằng khen ông Hồ Ngọc Ký của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân

Tôi đọc trong đôi mắt ông sâu thẳm một niềm vui, ông đưa tay về phía những đứa học trò đang tinh nghịch và xúc động nói: “Tôi đã ở cái tuổi bên kia ngọn đồi, rồi tôi cũng sẽ về với đất. Chúng nó sẽ lớn lên, núi rừng Trà Sơn sẽ tiếp sức cho chúng nó để chúng nó góp phần làm cho Trà Bồng đổi thay!” Ông tin với một niềm tin mãnh liệt như người Kor tin Đảng, tin Bác Hồ, tin vào truyền thống kiên cường, bất khuất, quật khởi của Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi năm xưa…

Ông cũng bày tỏ sự băn khoăn là hiện nay “sổ đỏ” của diện tích đất mà ông hiến cho trường vẫn chưa được cấp, Trường Tiểu học Trà Sơn vẫn chưa có phòng làm việc của ban giám hiệu, các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập còn rất nghèo nàn, đặc biệt là điểm lẻ của Trường chưa có nhà vệ sinh…rất mong được các cấp quan tâm nhiều hơn nữa để các thầy cô giáo và các em học sinh đỡ bị thiệt thòi.

Những việc ông làm, nhân dân, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính quyền, đoàn thể đều biết. Ông đã treo trang trọng trên tường nhiều huân chương, huy chương, nhiều bằng khen, trong đó có cả Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân vì “Đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước”; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trao tặng ông Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu “Người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, và chắc chắn trong tương lai, ông sẽ được nhân dân trao tặng những bằng khen vô giá, vì “Ngàn năm bia đá vẫn mòn…”

Chia tay ông, ngụm nước chè xanh trong tôi vẫn còn ngọt lịm. Tôi đã cảm nhận được nỗi niềm của ông muốn gửi gắm lại cho thế hệ mai sau. Tấm lòng vợ chồng ông vẫn dạt dào, trong xanh như con nước sông Trà Bồng đang chảy; hình ảnh của ông vẫn vững vàng, kiên trung như ngọn núi Cà Đam và gần gũi, thân thương như những con Cá Niên bốn mùa vẫn bám làng, bám đất.

Ngày 20 – 11 lại về, xin hãy dành cho ông những tình cảm ưu ái nhất vì ông rất xứng đáng được đứng trong hàng ngũ những người đã và đang đóng góp không mệt mỏi vì sự nghiệp giáo dục.

Trương Quang Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.