Tấm lòng “bà ngoại” đối với trẻ em cơ nhỡ

GD&TĐ - Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang tọa lạc tại ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, trực thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang, là nơi tiếp nhận và giáo dục các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong 17 năm qua, hoạt động của Trung tâm đem lại nhiều hiệu ứng xã hội tích cực nhờ vai trò của một vị bác sĩ, thường được các em gọi bằng hai tiếng trìu mến là “bà ngoại”.

 “Bà ngoại” - bác sĩ Trần Thủy Cần
“Bà ngoại” - bác sĩ Trần Thủy Cần

“Thầy thuốc nhân dân” với tấm lòng từ ái

Bà ngoại, chị Cả, má Hai là cách mà mọi người ở Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang gọi Thầy thuốc nhân dân Trần Thủy Cần - nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang. Sau khi nghỉ hưu, với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, bà tiếp tục cống hiến không mệt mỏi cho các hoạt động từ thiện xã hội, điển hình như đóng góp tích cực cho Trung tâm từ thiện trên được thành lập bởi năm 2002.

Trung tâm từ thiện vốn khởi phát bởi tâm nguyện của Thượng tọa Thích Minh Nhẫn (thế danh Từ Thành Đạt). Sau chuyến du học từ Trung Quốc trở về, thầy Nhẫn mong muốn lập một cơ sở từ thiện để tiếp nhận và nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang nhằm mở ra cơ hội cho các em được học hành nên người. Sĩ số trẻ em được nuôi dạy tại trung tâm duy trì ở mức trung bình khoảng 120 em, học từ lớp một đến bậc đại học.

Việc vận hành trung tâm cần một nguồn kinh phí khá lớn, gần 2 tỷ đồng/năm. Tất cả đều nhờ vào tấm lòng và bàn tay góp sức của rất nhiều mạnh thường quân ở trong nước cũng như ngoài nước. Trong đó, vai trò hỗ trợ và vận động của “bà ngoại” rất quan trọng. Bác sĩ Trần Thủy Cần tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng mỗi tháng vẫn hai lần tự tay tham gia chăm lo bữa ăn cho các em. Những dịp Tết Trung thu, Nguyên đán “bà ngoại” sắm cho các em vài bộ đồ mới, giày dép mới và một bữa tất niên hoành tráng.

Chia sẻ cảm nghĩ về bác sĩ Trần Thủy Cần, Đại đức Thích Tuệ Giải - đại diện Trung tâm nói: “Bác sĩ Trần Thủy Cần không ngại vất vả vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân và cả những người trong gia đình để chăm lo cho các cháu. Cô còn thường xuyên quan tâm chia sẻ đời sống thầy cô giáo, đội ngũ nhân viên, các thành viên trong Ban bảo trợ”.

Bà Thủy Cần còn đóng góp rất lớn cho công tác từ thiện xã hội ngoài Phật đường, như hỗ trợ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, góp công góp sức xây dựng Nhà trẻ Nhân Ái, cất nhà cho người nghèo, làm cầu, đường nông thôn... Từ khi nghỉ hưu, vị Thầy thuốc nhân dân đã đồng hành với mọi công tác từ thiện - an sinh do nhà nước và Giáo hội Phật giáo tỉnh khởi xướng.

“Bà ngoại” tham gia tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
“Bà ngoại” tham gia tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn 

Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Y tế Kiên Giang lên kế hoạch chăm sóc và nuôi dưỡng các trẻ phù hợp với lứa tuổi, đồng thời cập nhật chương trình giảng dạy theo đúng khung chuẩn mực của Bộ GD&ĐT.

Bác sĩ Thủy Cần

Nhà trẻ Nhân Ái - nơi ươm mầm yêu thương

Theo lời của Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Nhà trẻ Nhân Ái chính là tâm huyết của tập thể phật tử và các nhà hảo tâm, trong đó có sự trợ duyên rất lớn của bác sĩ Thủy Cần và nguồn tài trợ từ Quỹ nhân đạo “Sống để yêu thương” Việt Nam. Tổng vốn đầu tư xây dựng Nhà trẻ Nhân Ái ban đầu giá trị trên 1,5 tỷ đồng, với diện tích xây dựng là 500m2, có một phòng học đa năng, ba phòng ngủ và sinh hoạt chung, một nhà ăn và một phòng vệ sinh.

Nhà trẻ Nhân Ái trực thuộc Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang, chính thức hoạt động vào ngày 1/1/2013, đã tiếp nhận hàng trăm trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi. Tất cả trẻ đều là con em các hộ lao động nghèo, trong đó có đến hơn 1/3 các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ giao phó cho ông bà trông nom). Tại nhà trẻ, các em được dạy dỗ theo chương trình giáo dục mầm non mới với phương châm “Trẻ học mà chơi và chơi mà học”.

Chia sẻ về khó khăn ban đầu, bác sĩ Trần Thủy Cần cho biết: “Thực tế cho thấy, nhiều gia đình lao động nghèo không đủ khả năng gửi con vào các nhà trẻ hay các cơ sở giữ trẻ. Các con đều bị thiếu hụt về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Do vậy, việc giúp cho các con hòa nhập vào môi trường giáo dục để phát triển toàn diện là điều hết sức cần thiết. Chúng tôi phải cử người đi vận động và thẩm duyệt kỹ lưỡng từng hồ sơ để có phương án hỗ trợ phù hợp”.

Về phương pháp dạy trẻ, ngoài các kỹ năng chuyên môn theo quy định chung của bậc giáo dục mầm non, Nhà trẻ Nhân Ái chú trọng xem trẻ học như thế nào hơn là học cái gì và đặc biệt là từng giáo viên sẽ tìm hiểu hoàn cảnh sống của trẻ để từ đó lựa chọn biện pháp tác động sư phạm phù hợp nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện. Bên cạnh chương trình chính quy, các bài hát về Phật giáo, những lễ nghi đơn giản, bài học về sự tôn trọng, tinh thần từ bi - trí tuệ… cũng được lồng ghép khéo léo thông qua hoạt động giao tiếp, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ từ nhỏ.

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chương trình tiếp nhận và giáo dục trẻ em, theo đánh giá của các bác sĩ và giáo viên, tất cả các trẻ đều phát triển khỏe mạnh, tự tin trong giao tiếp, sống nề nếp, ngoan ngoãn, có tinh thần tập thể, đạt kết quả tốt trong học tập. Đây là thành quả giáo dục rất đáng tự hào, với công sức không nhỏ của “bà ngoại” Thủy Cần và chư tăng ni Phật tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.