Lời hiệu triệu của Bộ GD&ĐT đã được giáo viên, học sinh đón nhận với tâm thế tự tin, sẵn sàng mang tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Những chỉ đạo sát sao, kịp thời
Thời gian qua Bộ GD&ĐT đã tích cực hướng dẫn và triển khai việc học online,học qua truyền hình đến học sinh và giáo viên cả nước. Để các trường triển khai thực hiện hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình tại trường phổ thông, GDTX trong thời gian học sinh nghỉ học. Bộ cũng hướng dẫn địa phương chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System); hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS- Learning Content Management System); hệ thống dạy học trực tuyến.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là việc dạy học phải bảo đảm 4 mục tiêu. Thứ nhất, giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ ở trường. Thứ hai, phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình của giáo viên. Thứ ba, tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh trong học tập. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Việc dạy học qua truyền hình cũng phải bảo đảm yêu cầu về thiết bị, hạ tầng kết nối với hệ thống truyền hình quốc gia. Nhiều địa phương đã và đang hưởng ứng mạnh mẽ phong trào này như Hà Nội, Nam Định, Quang Ninh, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long… Trong đó vai trò đóng góp của các đài phát thanh truyền hình địa phương là rất lớn.
Có thể nói, tinh thần cùng chung tay phối hợp với ngành Giáo dục triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 đã và đang lan tỏa ở các tỉnh thành trên cả nước. Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “Tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã và đang được toàn ngành Giáo dục thực hiện hết sức nghiêm túc và bài bản.
Các địa phương đã sớm triển khai dạy học online ngay khi thấy việc nghỉ học kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Cùng với đó là việc chính quyền, người dân các địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức hỗ trợ triển khai thực hiện các chương trình học online trên các kênh sóng phát thanh và truyền hình. Vẫn biết là cách thức trên có thể chưa được hiệu quả như mong muốn, nhưng đây là giải pháp duy nhất chúng ta có thể thực hiện vào thời điểm này.
Hơn ai hết, chúng tôi, những người đã và đang làm giáo dục cảm nhận được ý nghĩa của việc cần thiết duy trì việc học tập ổn định đối với học sinh. Thế nên mọi biện pháp triển khai đồng bộ, kịp thời là hết sức cần thiết. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang vào cuộc tích cực, có những chỉ đạo sát sao kịp thời, tạo niềm tin cho các thầy cô và nhà trường nỗ lực dạy học tốt”.
Giảm tải chương trình học
Phần đông, ý kiến của nhiều giáo viên qua tìm hiểu về nội dung chương trình giảm tải ở các môn học và cấp học đều chung nhận định là phù hợp. Nội dung chương trình giảm tải được Bộ GD&ĐT đưa ra đã bảo đảm thực hiện trên nguyên tắc: Không thực hiện tinh giản cơ học mà phải bảo đảm cung cấp đủ kiến thức nền tảng, cơ bản, cốt lõi để học sinh có đủ năng lực tiếp tục học tập ở các lớp sau, cấp học sau.
Bảo đảm nguyên lý “bậc thang” của tiến trình học tập. Không để xảy ra lỗi hệ thống ảnh hưởng đến quá trình học tập, phát triển của học sinh về sau. Cũng với chương trình này, việc kiểm tra đánh giá cũng sẽ được thực hiện theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ là: Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã được hướng dẫn “không dạy”, “không thực hiện”; “không yêu cầu”, “không làm”, “không bắt buộc”; “khuyến khích học sinh tự học/đọc/làm”.
Như khối THPT, ở chương trình Toán 12, các thầy cô giáo dạy bộ môn này đều chung nhận định cơ bản kiến thức không giảm tải nhiều. Điều quan trọng là Bộ đã giảm tải được một phần khó như tính tích phân phần đổi biến nhiều lần; tính thể tích khối tròn xoay do hình phẳng bởi hai đồ thị trở lên. Ngoài ra, chương trình có giảm phần chứng minh các định lý và ở phần này học sinh chỉ cần nắm được nội dung định lý. Tuy nhiên, ở các phần lý thuyết đơn giản yêu cầu học sinh tự học có hướng dẫn.
Với nội dung này, vì kiến thức không giảm nên học sinh vẫn phải học và nghiên cứu tất cả chương trình. Cũng như vậy ở môn Ngữ văn lớp 11 và 12, chương trình giảm tải cũng được cho là hợp lý với các tiết học thêm, ôn tập phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và thời gian của việc học online. Giảm tải nhưng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành năng lực và kết quả tiếp cận của học sinh.
Việc giảm tải nội dung chương trình các môn học của Bộ GD&ĐT còn nhận được sự hưởng ứng của các bậc phụ huynh. Là người đồng hành cùng các con học hàng ngày nên các bậc phụ huynh hiểu và cảm nhận được ý nghĩa của chương trình giảm tải. Ghi nhận của các phụ huynh cũng đồng nhất với các thầy cô giáo là nội dung chương trình giảm tải đã tinh giản nhiều tiết ôn tập, tự học. Đặc biệt, với nội dung này giáo viên có thể tự giao bài tập ở nhà cho học sinh tự nghiên cứu, phù hợp với lịch nghỉ học dài ngày hiện nay của các nhà trường. Thêm nữa điều này cũng khích lệ tinh thần tự giác, khuyến khích học sinh tự học và nghiên cứu theo đúng ý nghĩa của việc phát huy năng lực tự học sáng tạo trong mỗi người.
Có thể nói đến thời điểm này, tinh thần học online với sự chỉ đạo bài bản, xuyên suốt của Bộ GD&ĐT đã thực sự tạo được sự yên tâm không chỉ với thầy cô giáo, học sinh mà cả các bậc phụ huynh. Việc học online vẫn bảo đảm giữ được kiến thức nền, khuyến khích tính tự giác học tập của học sinh, đồng thời đề cao vai trò hướng dẫn tự học của giáo viên.