Không đến trường nhưng không dừng dạy học
Nhiều ngày nay, cô Đào Thu Ngọc, dù đang mang thai tháng thứ 5 nhưng vẫn đều đều dậy lúc 5 giờ sáng, cho con nhỏ đang học mẫu giáo ăn rồi gửi mẹ già trông để đến từng nhà học sinh giao bài, hướng dẫn trò học rồi thu bài về chấm.
Cô Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Nhàn, cả hai đều chỉ còn vài tháng nữa là được nghỉ chế độ nhưng hằng sáng vẫn đến trường từ sáng sớm, nhận đề của các thầy cô giáo khác, rồi đi đến từng nhà học sinh phát đề, hướng dẫn.
Cô Nguyễn Thị Mùi chồng là công nhân lái tàu xa nhà, một mình chăm sóc hai con nhỏ, một con độ tuổi mẫu giáo, bố mẹ chồng già yếu, điều kiện kinh tế gia đình không khá giả gì, nhưng đã tự bỏ tiền cá nhân mua trang thiết bị dạy học để dạy học trực tuyến cho học sinh; rồi kiên trì đến từng nhà cài đặt, hướng dẫn trò học trực tuyến.
Giống như cô Mùi, lo lắng học sinh quên kiến thức, thầy Quang Khâm cũng lặng lẽ tự sắm thiết bị để dạy học trực tuyến cho trò.
Học sinh của trường đến từ nhiều xã khác, nghĩa là địa bàn cư trú khá rộng, có em cách trường hơn 4 km, nhưng các thầy cô không quản ngại đường xa, thời tiết mưa gió, cần mẫn đến nhà học sinh hàng ngày: phát đề cương, thu, chấm, chữa; rồi quay lại phát đề, phát bài đã chấm, chữa…
Cứ như vậy đã rất nhiều ngày nay các thầy cô còn trực tiếp đi đến từng nhà học sinh phát khẩu trang, hướng dẫn học sinh cách đeo khẩu trang, cách vệ sinh, phòng dịch theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ y tế. Trường cũng mua hàng trăm khẩu trang phát miễn phí cho học sinh, thường xuyên có bài viết trên hệ thống truyền thanh của địa phương với nội dung tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách phòng, chống bệnh dịch.
Trường Tiểu học và THCS An Vũ có tới 82% học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như em Vi Thu Huyền, lớp 2B, bố bị tai nạn lao động, liệt hơn một năm nay, mẹ phải vào viện chăm sóc bố; ông bà bệnh trọng mất đã lâu... Chưa có nhà, hiện gia đình Huyền phải ở ngôi nhà cũ nát của bà nội.
Gần đây, mẹ đi làm công ty ở Hải Phòng, sáng đi, tối về, em phải ở nhà chăm sóc bố. Những ngày nghỉ học vì dịch, Huyền được thầy cô đến nhà dạy kèm hàng ngày, hỗ trợ sách vở, kinh phí học tập và một số đồ dùng cá nhân khác…
Nguyễn Đắc Minh Phú, học sinh lớp 5B của trường cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Phú ở với ông bà nội đã cao tuổi, là hộ nghèo. Nhiều ngày qua, cô giáo chủ nhiệm đã đến tận nhà Phú dạy em học bài, ôn tập kiến thức.
Đoàn thanh niên của trường cũng phối kết hợp đoàn thanh niên của xã trao sách vở, đồ dùng học tập, giúp em vượt qua khó khăn, có thêm điều kiện học tập.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Trong dịch bệnh, trò phải tạm rời xa trường, nhưng dường như tình cảm học trò, thầy cô, mối liên hệ gia đình, nhà trường như gần hơn thêm. Phụ huynh từ hoang mang, lo lắng rồi dần chuyển sang phấn khởi, yên tâm vì không còn lo con quên kiến thức, ở nhà lãng phí thời gian vào việc làm vô bổ; rồi dần thành quen, cứ mỗi sáng lại ngóng chờ thầy cô đến. Thầy cô vất vả nhưng vui, vui vì trò được học, vì được góp sức nhỏ bé cùng cả nước phòng chống dịch.
Trường Tiểu học và THCS An Vũ là đơn vị mới được sáp nhập với quy mô 26 lớp và gần 1.000 học sinh, đóng trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tạm nghỉ học vì dịch bệnh, chia sẻ của cô Hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện, với tinh thần “không đến trường nhưng không dừng dạy học”, nhà trường đã tổ chức ôn tập cho học sinh dưới nhiều hình thức.
Đầu tiên là dạy trực tuyến: giáo viên bộ môn sẽ dạy học sinh vào các buổi trong tuần; nhà trường lên lịch cụ thể để học sinh được học các môn, do giáo viên trực tiếp giảng dạy. Ngoài dạy trực tuyến tại nhà, giáo viên còn sưu tầm bài giảng, bài tập gửi qua zalo, gmail, … cho phụ huynh, hướng dẫn các em học và làm bài tập.
Hiện các học sinh lớp 9 đã quay trở lại trường học, nhà trường thực hiện chia lớp để giãn cách đúng theo quy định; học sinh đến trường được đo nhiệt độ. Những học sinh lớp dưới, nhà trường tổ chức cho giáo viên xuống nhà học sinh các buổi sáng để hướng dẫn, đôn đốc các em học tập.
Với học sinh không có điều kiện học trực tuyến, ngày thứ 2, thứ 5 hàng tuần, giáo viên bộ môn chuẩn bị đề cương phù hợp từng học sinh, sau đó in sao đề mang xuống từng nhà học sinh để phát, hướng dẫn học sinh học bài.
Nếu gia đình nào có phụ huynh ở nhà, sẽ có thêm nhận xét, ý kiến của phụ huynh vào sổ học tập (sổ theo dõi học tập ở nhà của học sinh thời dịch). Qua đó, nhà trường sẽ phối kết hợp với gia đình để có biện pháp học tập hiệu quả hơn. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường tham gia hoạt động này thường xuyên” – cô Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ.
Trong thời gian tới, theo cô Mai Thị Bích Nguyện, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học miễn phí như đã và đang làm. Với những học sinh đặc biệt khó khăn, trường sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng nhiều hình thức, hỗ trợ sách, vở, khẩu trang, nước rửa tay, nhiệt kế, gạo, thêm điều kiện để học sinh phòng chống dịch.