Tâm & bản lĩnh với nghề báo

Tâm & bản lĩnh với nghề báo

(GD&TĐ) - Mặc dù đã qua tuổi môt hoa giáp nhưng nhà báo Phạm Đông vẫn nhiệt huyết và cẩn trọng với công việc của mình. Tâm sự của ông về nghề báo giữa thời chiến và thời bình là những trăn trở mà những người cầm bút chân chính đều hướng tới.

Hóa thân thành nhiều nhân vật

Ông chia sẻ, ngày nhỏ khi được nghe tiếng phát thanh viên dẫn chương trình qua chiếc đài Philip của gia đình cậu bé Đông rất lạ lẫm thích thú và thường nói với mọi người: Sau này con cũng nói được như thế. Lớn lên, như bao thanh niên thời bấy giờ, Phạm Đông xung phong vào bộ đội. Để nhanh chóng được cống hiến trong quân ngũ lá đơn xin nhập ngũ của ông được ký bằng máu. Vào bộ đội Phạm Đông được tham gia chiến đấu ở chiến trường B, với năng lực của bản thân, ông được phân công vào Cục Công tác chính trị. Thời gian này ông tham gia viết kịch bản văn nghệ, diễn kịch cho các đồng đội của mình. Thời gian gắn bó tại chiến trường là những trải nghiệm quý để nhà báo Phạm Đông có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình sau này.

Năm 1970, sau khi bị thương tại chiến trường Quảng Trị, Phạm Đông được chuyển về hậu phương và công tác tại Đài phát thanh Hà Nội (nay là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội). Từ năm 1983, ông chính thức gắn bó với chuyên mục Chuyện kể ở đại đội. Mỗi năm đều đặn 52 câu chuyện cho đến nay ước tính ông đã đọc khoảng 1.600 câu chuyện. Mỗi một câu chuyện là một kỷ niệm gắn bó thân thiết với bản thân ông. Bởi không đơn giản chỉ là sự chuyển tải câu chữ, với ông mỗi một câu chuyện đều được ông nghiền ngẫm chắt lọc và hóa thân vào từng nhân vật ,từng lời nói và cách viết của từng tác giả. Sở hữu chất giọng sáng, chuẩn, có âm sắc riêng biệt cộng thêm cách cảm nhận nhạy cảm vì vậy ông có thể hóa thân thành rất nhiều nhân vật cùng một lúc. Vừa lúc trước, Phạm Đông là một sĩ quan chỉ huy với giọng nói “thét ra lửa" nhưng ngay sau đó lại thấy ông  hóa thân vào giọng của một cô gái ngượng ngập, e ấp trước cánh lính trẻ tinh nghịch. Có khi là giọng một anh tân binh láu lỉnh thoát cái lại ra giọng của một bà mế hiền lành chất phác… Khi được hỏi bí quyết nào giúp ông có thể nhập vai một cách biến hóa với nhiều giọng đọc như thế, NSƯT Phạm Đông chia sẻ: "Tôi có năng khiếu văn chương từ nhỏ, ham viết và ham tìm tòi. Vốn là một diễn viên kịch được đào tạo bài bản và khi còn là một anh lính trong Binh chủng Phòng quân Không quân tôi là một cây văn nghệ có tiếng. Sau này, khi là một nhà báo, tôi có cơ hội được đi nhiều, từ miền xuôi cho tới miền ngược, từ núi rừng cho tới hải đảo, tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp người, từ những vị chỉ huy trong quân đội cho tới những người lao động chân tay, người buôn thúng bán mẹt... Tất cả những cái đó cho tôi vốn sống kinh nghiệm, sự quan sát và khả năng biến hóa trong giọng đọc".

Nhà báo Phạm Đông.
Nhà báo Phạm Đông.
 

Cần có lương tâm và trách nhiệm

Ở góc độ một phát thanh viên tên tuổi Phạm Đông gắn bó với Chuyện kể ở đại đội, Câu chuyện cảnh giác... Không những thế ông còn là một nhà báo năng nổ, là tác giả kịch bản phim, tham gia đóng phim và làm đạo diễn, làm phóng viên thể thao tường thuật bóng đá, phóng viên văn nghệ… Có nhiều lần được lãnh đạo đề đạt sang công tác quản lý nhưng khát khao lớn nhất của ông vẫn là mong muốn được thực sự sống, được viết để thỏa sức sáng tạo. Ở cương vị nào Phạm Đông cũng luôn say nghề và cố gắng tận tâm với mọi công việc. Từng là người lính, là một nhà báo tham gia khi còn ở chiến trường, Phạm Đông hiểu rất rõ sự vất vả cũng như giá trị của nghề báo trong thời chiến cũng như thời bình. Theo ông, mỗi thời đều có đặc trưng riêng và có những cái khó khác nhau. Thời chiến, nhà báo đồng thời cũng là người lính phải đối diện trước làn đạn của quân thù. Lý tưởng cách mạng giúp cho những nhà báo khoác áo lính vừa nắm chắc cây súng, giữ vững ngòi bút để chiến đấu chống kẻ thù và ca ngợi những tấm gương hy sinh xả thân vì đất nước. Ngày đó cả nước đều đồng lòng chiến đấu chống kẻ thù chung nên dường như nghề báo không có những tiêu cực như thời bình.

Còn thời bình cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu luôn cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt khi cơ chế thị trường manh nha và phát triển trong xã hội thì ranh giới giữa sáng và tối là hết sức mong manh. “Một viên đạn có thể chỉ lấy đi sinh mạng của một người, nhưng những ma lực của đồng tiền đã khiến cho nhiều người phải cúi mình, hạ thấp mình. Quyết định đến cách viết của một nhà báo chính là phẩm chất là danh dự của mỗi con người. Cùng một sự việc, một hành động cũng có thể là tích cực hoặc hoặc tiêu cực, nhưng nếu không đi sâu tìm hiểu kỹ thì người viết không thể phản ánh trung thành, phản ánh đúng bản chất của sự việc.” – Nhà báo Phạm Đông đã chia sẻ như thế.

Thời kỳ bao cấp khi được phân công viết về vấn đề tiêu cực tại một nhà máy về việc nhà máy đó đã xả điện khi không sử dụng hết công suất trong quá trình vận hành máy vào ban đêm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình Phạm Đông đã phải dày công điều tra, thậm chí phải đóng giả công nhân thâm nhập vào nhà máy để tìm hiểu rõ vụ việc. Khi bài phóng sự điều tra hoàn thành, trước sự chất vấn của đại diện nhà máy ông đã trình bày một cách rành mạch kèm theo những chứng cứ cụ thể khiến sự gian lận bị phơi bày. Hay có lần viết về việc những kẻ giả danh thương binh dùng thẻ để mua bán kiếm lời tới mấy chục lần thời bao cấp, ông đã bị những kẻ xấu kích động để các thương binh tới tòa soạn định gây gổ… Nhưng với bản lĩnh và cách thuyết phục đầy đủ lý lẽ ông đã khiến những người thương binh hiểu thấu vấn đề và đồng tình với bài viết của ông. Đó là hai trong số rất nhiều những câu chuyện mạo hiểm khi gắn bó với nghề báo.  

Như vậy sự dễ dãi với bản thân không bao giờ là phẩm chất của những nhà báo chân chính. Viết để làm tròn trách nhiệm và lương tri cũng rất cần lòng dũng cảm và bản lĩnh nghề nghiệp. Giờ đây mặc dù đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn đảm đương công việc làm cố vấn cho ban giám đốc duyệt các chương trình phát sóng của đài truyền hình VTC. Nhà báo Phạm Đông vẫn tiếp tục cống hiến và gắn bó với công việc mà ông yêu thích. Vẫn xuất hiện đều đặn trong các chương trình đọc chuyện để rồi nếu thiếu vắng ông thính giả lại liên tục hỏi thăm -  đó là điều hạnh phúc không phải mấy ai làm nghề này cũng có được.

“Với một nhà báo chân chính, để có được bài báo hay người làm báo phải luôn có lòng yêu nghề, say với nghề, bên cạnh đó không ngừng trau dồi và sáng tạo trong cách viết. Và quan trọng là cần có lương tâm có trách nhiệm, có thái độ nghiêm túc trong công việc của mình. Người cầm bút phải làm chủ được ngòi bút, biết tự trọng và có lòng dũng cảm.” – Nhà báo Phạm Đông.

Thu Trà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ