Nghiên cứu mới do giáo sư Ad Vingerhoets, một nhà tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Tilburg (Hà Lan) và là tác giả cuốn "Tại sao chỉ con người rơi lệ: giải mã các bí mật của nước mắt", tiến hành. Ông đã trò chuyện với hơn 5.000 người ở 37 quốc gia và phỏng vấn họ về các phản ứng cảm xúc của bản thân.
Giáo sư Vingerhoets phát hiện, phụ nữ nhìn chung khóc tới 30 - 64 lần/năm, trong khi con số này ở nam giới chỉ vào khoảng 6 - 17 lần/ năm.
Đối với cánh mày râu, 66% số người được hỏi tiết lộ rơi lệ trong không đầy 5 phút mỗi lần, trong khi 24% nói khóc khoảng 6 - 15 phút. Đối với phái yếu, 2 tỉ lệ này tương ứng là 43% và 38%.
Tuy nhiên, số phụ nữ khóc lâu tới 16 - 30 phút mỗi lần (11%) cao gấp đôi nam giới (5%). Điều tương tự cũng được ghi nhận đối với những người khóc "dai" tới 16 - 30 phút hoặc trên 60 phút.
Theo giáo sư Vingerhoets, sự khác biệt nói trên giữa 2 giới có thể được lý giải bằng thực tế rằng, các chị em phụ nữ thường xuyên xem phim bi kịch và đọc văn thơ ủy mị nhiều hơn cánh mày râu.
Khám phá ám chỉ, đàn ông nên thấu cảm hơn khi xem phim lãng mạn cùng với bạn đời. Giáo sư Vingerhoets ghi nhận, trong thực tế, khi nhìn thấy một phụ nữ khóc, các nam giới thường cảm thấy khó chịu và có xu hướng phớt lờ người đó.
Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, không chỉ có phụ nữ khóc khi xem phim. Theo tạp chí Esquire, các bộ phim khiến cánh mày râu rơi lệ gồm có Nhà tù Shawshank, Giải cứu binh nhì Ryan và Chú lợn chăn cừu Babe.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, nước mắt chữa prolactin, một hoóc môn do tuyến yên sản sinh ra và gắn liền với cảm xúc của chủ nhân. Phụ nữ có hàm lượng prolactin cao hơn đàn ông và đây có thể là nguyên nhân khiến họ "mít ướt" hơn.
Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, đàn ông có các tuyến lệ trong mắt to hơn, nên chúng mất nhiều thời gian để tịch tụ đầy nước và để nước trào ra ngoài (rơi lệ) hơn phụ nữ.