Tại sao nhiều thành phố Mỹ muốn cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt?

Các nghị sĩ Mỹ ở cả hai đảng đều đang đề xuất các quy định cấm cơ quan thực thi pháp luật dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để giám sát công dân hàng ngày.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt gây tranh cãi ở Mỹ. Ảnh: The Intercept.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt gây tranh cãi ở Mỹ. Ảnh: The Intercept.

Cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt 

Chỉ trong vài tháng qua, ba thành phố gồm San Francisco, Oakland (bang California) và Somerville (Massachusetts) đã thông qua các luật cấm chính quyền sử dụng công nghệ gây tranh cãi này.

Thành phố Cambridge ở Massachusetts cũng đang chuẩn bị có lệnh cấm tương tự. Quốc hội Mỹ gần đây đã tổ chức hai phiên họp giám sát về vấn đề này và có ít nhất 4 luật liên bang hạn chế công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt phân tích hình ảnh hoặc video ghi hình mặt người để xác định danh tính. Nhận diện khuôn mặt là một vấn đề hiếm hoi mà các nhà lập pháp hai đảng phối hợp với nhau để đảm bảo luật đi trước công nghệ này thay vì phải đuổi theo.

Đó là vì công nghệ này có thể vi phạm quyền tự do dân sự của người Mỹ và có ảnh hưởng tiêu cực với tự do ngôn luận.

Theo bà Evan Greer, Giám đốc tổ chức Fight for the Future (Đấu tranh vì tương lai), đây là thời điểm quan trọng để quản lý công nghệ nhận diện khuôn mặt. Bà cho rằng trong vài tháng tới, sẽ có nhiều thành phố nữa thông qua luật quản lý loại công nghệ này ngoài bốn bang đã có luật.

Tới nay, các dự luật cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt chưa nhằm vào công ty tư nhân. Ở những nơi công nghệ này bị cấm như San Francisco, những công ty như Apple vẫn tự do bán điện thoại di động tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Điều họ cần làm là thông báo với người dùng nếu sản phẩm có tích hợp công nghệ này, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ bị kiện.

Tuy nhiên, khi công nghệ nhận diện được các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng thì vấn đề lại khác. Người dân không biết rằng khuôn mặt mình bị giám sát, quét hình ảnh và theo dõi. Đó là lý do tại sao các nhà lập pháp cấm cơ quan thực thi pháp luật sử dụng công cụ.

Một số sở cảnh sát cho rằng cấm tuyệt đối là không nên vì công nghệ này có thể giúp họ ngăn chặn tội phạm hiệu quả hơn. Trong thực tế, hàng chục sở cảnh sát ở Mỹ đã dùng công nghệ để khớp ảnh trên bằng lái xe và cơ sở dữ liệu ảnh tội phạm. Tuy nhiên, sắp tới quy trình này có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Lý do bị cấm

Chú thích ảnh

Cảnh sát Mỹ dùng phần mềm nhận diện khuôn mặt. Ảnh: FT.

Theo tờ Vox, một trong những lý do chính công nghệ nhận diện bị đưa vào luật cấm rất đơn giản: Công nghệ này thực sự đáng sợ.

Điện thoại hay máy tính có thể tắt đi được nhưng bạn không có cách nào “tắt” khuôn mặt mình. Ở Mỹ, nhiều người coi việc chính quyền giám sát công dân là hành động “phi Mỹ”.

Người dân cũng lo ngại về cách triển khai công nghệ nhận diện bí mật và không có sự đóng góp ý kiến từ cộng đồng. Họ sợ phần mềm uy lực này có thể được cơ quan thực thi pháp luật dùng để theo dõi bất kỳ ai họ thấy khả nghi mà không có bằng chứng hợp lý rằng họ đã phạm tội.

Một ví dụ là cách đây vài năm, cảnh sát ở Orlando (Florida) đã thí điểm phần mềm nhận diện Rekognition của Amazon. Phần mềm này kết nối dữ liệu từ nguồn video trực tiếp và công nghệ nhận diện để theo dõi, giám sát người dân theo thời gian thực.

Dự án thí điểm này đặt máy quay giám sát tại 4 nơi trong thành phố mà người dân không hay biết. Sau khi bị dư luận phản đối và do hạn chế về kỹ thuật, sở cảnh sát Orlando đã phải hủy hợp đồng với Amazon.

Cách đây ba năm, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ đã phối hợp với các thành phố thông qua luật để chính quyền thành phố kiểm soát triển khai công nghệ giám sát. Hiện giờ, 13 thành phố Mỹ đã thông qua luật này.

Tuy nhiên, luật địa phương không ngăn được cơ quan thực thi pháp luật liên bang dùng công nghệ nhận diện. Sở Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đã tiếp cận cơ sở dữ liệu ảnh trên bằng lái xe ở 21 bang.

Điều đó có nghĩa là nếu sống ở những bang này, các lái xe Mỹ có thể bị người khác dùng ảnh trên bằng lái để nhận diện tội phạm mà họ không hay biết.

Một lý do lớn khiến các nhà quản lý muốn hãm phanh công nghệ nhận diện là vì người ta chứng minh công nghệ này phân biệt đối xử và bớt chính xác khi áp dụng với phụ nữ và người da màu.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng phần mềm thường cho ra kết quả không có lợi với phụ nữ và người da màu. Lý do có thể là khi “huấn luyện” cho phần mềm này, các nhà nghiên cứu thường sử dụng khuôn mặt của nam giới da trắng.

Do đó, phần mềm có thiên hướng nhận biết chính xác mặt nam giới da trắng hơn là da màu và phụ nữ. Điều đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi công nghệ được dùng để đưa ra những quyết định quan trọng như có bắt ai đó hay không.

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.