Tại sao người Nga đón khách với bánh mì và muối?

GD&TĐ - Khi các đội tuyển đặt chân tới Nga tham dự World Cup, họ được nước chủ nhà đón tiếp bằng nghi thức truyền thống, các cô gái Nga trong trang phục dân tộc, mang bánh mì và muối ra mời.

Tại sao người Nga đón khách với bánh mì và muối?

Nhiều cầu thủ cảm thấy thích thú và lạ lẫm với truyền thống này, đằng sau đó là một câu chuyện về lòng hiếu khách của người Nga. Truyền thống mời khách ăn bánh mì và muối bắt đầu từ thời xa xưa và chỉ dành cho khách quý.

Tại sao người Nga đón khách với bánh mì và muối? ảnh 1

Bánh mì

Người Nga luôn đề cao việc đón tiếp khách đến nhà một cách ấm áp và hào phóng. Trong văn hóa Nga xa xưa, bánh mì và muối tượng trưng cho sự giàu có và khỏe mạnh, vì vậy, chủ nhà thường thể hiện tấm thịnh tình của mình dành cho khách quý bằng cách mặc lên người bộ trang phục đẹp nhất, bày ra những món ngon nhất, trong đó không thể thiếu bánh mì và muối.

Trong văn hóa dân gian Nga xa xưa, bánh mì là thứ thiêng liêng. Không có một mẩu bánh mì nào trong nhà nghĩa là nhà chẳng còn gì để ăn, bởi không có bữa ăn nào của người Nga thời ấy không bày bánh mì. Bánh mì là biểu tượng cho sự ổn định trong đời sống.

Muối

Ngày nay, hầu như không nơi nào trên thế giới còn phải chịu cảnh thiếu muối, nhưng ở thời xa xưa, tại Nga, muối là thức xa xỉ và không phải ai cũng đủ tiền mua muối. Đó là lý do tại sao người Nga từng có thói quen giữ muối chỉ để dùng vào dịp đặc biệt, chẳng hạn như tiếp khách quý.

Vì vậy, khi chủ và khách không hài lòng với nhau, khách chỉ cần vãi muối ra sàn là đã đủ khiến chủ nhà “nóng mặt”. Giờ đây, muối không còn quý với người Nga như xưa, nhưng trong đời sống, hành động vãi muối ra sàn vẫn bị xem là xúc phạm người đang ngồi cùng.

Tại sao người Nga đón khách với bánh mì và muối? ảnh 2

Trong văn hóa Nga, người ta thường nói về tình bạn thân thiết rằng: “Cùng nhau, họ ăn cả pút muối”, điều đó có nghĩa là hai người bạn đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm, chia ngọt sẻ bùi.

Bắt đầu một tình bạn

Theo truyền thống, khách được đón tiếp bởi những người phụ nữ mặc trang phục truyền thống, trên tay người phụ nữ là chiếc bánh mì lớn hình tròn được đặt trên một chiếc khăn, đi kèm là một lọ muối đặt trên bánh.

Khách cẩn thận xé một mẩu bánh, chấm vào muối rồi ăn. Màn ứng xử này là hình ảnh biểu trưng cho một tình bạn bắt đầu giữa hai bên. Người Nga thậm chí tin rằng ngay cả kẻ thù, sau khi ăn bánh mì và muối cùng ta, cũng có thể hàn gắn quan hệ.

Ngoài ra, đối với người Nga, muối còn tượng trưng cho sự trong sáng thuần khiết của tâm hồn. Muối có thể để được rất lâu nếu được bảo quản đúng cách. Việc mời khách ăn bánh mì và muối không chỉ là lời chúc, mong khách giàu có, khỏe mạnh, mà còn chúc khách có được tâm hồn minh triết, trong lành, xua đi những gì đen tối, u ám.

Tại sao người Nga đón khách với bánh mì và muối? ảnh 3

Những chủ nhà hiếu khách trong tiếng Nga được gọi là “khlebosolnye”, trong đó, “khleb” là bánh mì và “sol” là muối.

Ngày nay, trong các giao tế trịnh trọng ở nhiều lĩnh vực của đời sống tại Nga, người ta vẫn áp dụng nghi thức mời bánh mì và muối. Trong lễ cưới của người Nga, sau khi kết thúc các nghi lễ chính thức, cặp đôi trở về nhà, lúc này, cha mẹ của cặp đôi mới cưới sẽ đưa cho họ bánh mì và muối, hai người sẽ cùng nhau xé bánh, chấm muối và đưa cho nhau ăn.

Đây là hình ảnh tương trưng cho việc kể từ nay, họ sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống và sẽ chăm sóc cho nhau.

Theo Dantri.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.