Giáo sư Ghada Bassioni, Trưởng Khoa hóa học thuộc Đại học Ain Shams (Ai Cập), và các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu về việc sử dụng nhôm trong nấu nướng và chuẩn bị món ăn.
Nhôm không chỉ được cán mỏng để dùng (thường được là "giấy bạc"), mà còn là vật liệu chế tạo đồ dùng nhà bếp như xoong nồi, chảo, thìa dĩa, ... phổ biến nhất ở các nước đang phát triển. Đồng từng được sử dụng cho những vai trò này, nhưng theo thời gian, người ta đã thay thế nó bằng nhôm vì ưu điểm rẻ hơn và dễ lau chùi hơn.
Mặc dù việc nấu thức ăn trong xoong nồi hay chảo nhôm là chấp nhận được, nhưng việc dùng giấy bạc gói thực phẩm rồi cho vào lò nướng lại là việc mọi người nên tránh, đặc biệt với các thực phẩm cay và có vị chua, chế biến ở mức nhiệt độ cao.
Theo nhà nghiên cứu Bassioni, cơ thể con người có thể bài tiết lượng nhỏ nhôm rất hiệu quả. Điều này đồng nghĩa, việc tiếp xúc với nhôm ở mức độ tối thiểu không gây ra vấn đề gì. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, lượng nhôm hấp thu an toàn với người là không quá 40mg trên mỗi kg cân nặng mỗi ngày. Điều đó đồng nghĩa, một người nặng 60kg có mức hấp thu nhôm an toàn là 2.400mg/ngày.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đang tiếp xúc và hấp thụ lượng nhôm lớn hơn nhiều so với mức khuyến nghị trên. Nhôm tồn tại trong ngô, pho mát vàng, muối, rau thơm, gia vị và trà. Nó đang được sử dụng để chế tạo đồ dùng nhà bếp như đã đề cập ở trên, cũng như tồn tại trong các dược phẩm như thuốc giảm axit dạ dày và các loại chất chống chảy mồ hôi. Nhôm sulfate cũng đang được dùng như chất chống đóng cặn trong quá trình thanh lọc nước uống.
Các nhà khoa học đã bắt tay tìm hiểu xem liệu việc tiếp xúc quá mức với nhôm có thể đe dọa sức khỏe con người hay không. Họ đã phát hiện nồng độ nhôm cao trong mô não của các bệnh nhân Alzheimer. Nhóm nghiên cứu kết luận, Alzheimer là một căn bệnh hiện đại, phát triển từ những điều kiện sống thay đổi gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. Những chứng bệnh như Alzheimer có thể liên quan đến lượng nhôm hấp thụ lớn trong cuộc sống hàng ngày.
Nhôm còn tạo ra các hiểm họa sức khỏe khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hấp thu lượng lớn nhôm có thể gây hại ở một số bệnh nhân mắc bệnh xương hoặc suy thận. Nó cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng của các tế bào não người.
Vì vậy, điều quan trọng là xác định nồng độ nhôm khi nấu nướng. Xoong nồi và các đồ dùng nhà bếp khác có xu hướng bị oxy hóa, tạo nên một lớp trơ ngăn nhôm thẩm thấu vào thức ăn. Vấn đề là, khi bạn cọ chùi xoong nồi sau khi nấu nướng, lớp trơ đó bị bào mòn và nhôm có thể thâm nhập vào thức ăn của bạn. Song, điều này rất dễ phòng tránh: khi bạn mua xoong nồi mới bằng nhôm, hãy dùng chúng nấu nước sôi nhiều lần cho đến khi đáy nồi trở nên nhờ nhờ do quá trình oxy hóa tự nhiên. Lớp nhờ nhờ này khiến xoong nồi của bạn trông không sáng đẹp, nhưng lại ngăn sự thẩm thấu nhôm vào thức ăn, tốt hơn cho sức khỏe của bạn.
Tuy nhiên, dùng giấy bạc bọc thực phẩm trước khi nấu nướng lại là một câu chuyện khác. Giấy bạc là đồ dùng một lần và bạn sẽ không thể tạo ra một lớp trơ trước khi sử dụng nó. Nghiên cứu của giáo sư Bassioni khám phá ra rằng, lượng nhôm thâm nhập vào thức ăn trong quá trình đun nấu thực phẩm bọc trong giấy bạc vượt ngưỡng giới hạn cho phép của WHO.
Ông Bassioni khuyến nghị không nên dùng giấy bạc để nấu nướng. Thay vào đó, mọi người được khuyên dùng đồ đựng bằng thủy tinh và sứ để chuẩn bị các món nướng. Theo ông Bassioni, việc gói thức ăn lạnh trong giấy bạc là an toàn, nhưng không nên trong thời gian dài vì thực phẩm có hạn dùng và nhôm trong giấy bạc sẽ bắt đầu rò rỉ vào thức ăn, phụ thuộc vào các thành phần của chúng, chẳng hạn như gia vị.