Tài không đợi tuổi…

GD&TĐ - Ấy là câu nói để chỉ những người còn trẻ tuổi đã bộc lộ những tài năng vượt trội, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đạt được thành tích đáng được ghi nhận.

PGS.TS Bùi Nhật Quang. Ảnh minh họa/INT
PGS.TS Bùi Nhật Quang. Ảnh minh họa/INT

Mới đây, trường hợp PGS.TS Bùi Nhật Quang được Thủ tướng bổ nhiệm làm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ở tuổi 44 cũng được xem là một trường hợp như vậy. Ở khía cạnh khác, điều đó cũng thể hiện sự quyết liệt trong việc sử dụng người tài.

Trên thế giới, việc người trẻ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, thậm chí lãnh đạo cấp cao, không phải là quá hiếm. Vấn đề là họ có giữ được, trụ được trong bao lâu hay trụ vững được không lại là chuyện khác. Ở Việt Nam, mỗi khi có quyết định điều động, luân chuyển, bổ nhiệm người trẻ, đặc biệt ở những vị trí quan trọng, không ít người lại tò mò với nguồn gốc gia đình, xuất thân của người vừa nhận quyết định.

Âu đó cũng là điều dễ hiểu, là lẽ thường tình, bởi sự tò mò ấy là quan tâm, muốn tìm hiểu để kỳ vọng khi người trẻ tài năng được đặt đúng vị trí, được “cầm cờ” sẽ phát huy hết khả năng, tâm huyết, trí tuệ, sức lực của mình để phục vụ cho sự nghiệp chung, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

Và khi những người trẻ thực tài, nhiệt tâm được trọng dụng sẽ tạo luồng gió mới mát lành kích thích sự hăng say, sáng tạo trong công việc, kích hoạt tư duy dám nghĩ vượt qua những khuôn khổ, giới hạn cứng nhắc vô hình… để đổi mới, tạo những bứt phá, trong hoạt động của tập thể, cũng như cá nhân người lãnh đạo.

Tò mò với người trẻ làm lãnh đạo, đó cũng là điều dễ đoán định, bởi trong thực tế đã có không ít trường hợp cán bộ trẻ nhất tỉnh, nhất khu vực, nhất nước ở cương vị ấy khi lên làm lãnh đạo đã không đóng góp được gì nhiều, thậm chí nhiều trường hợp còn vi phạm pháp luật, buộc phải xử lý kỷ luật… Điều này thì không cần nhắc đến, mỗi chúng ta cũng đều có thể kể vài cái tên đình đám.

Lâu nay, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, trọng dụng nhân tài luôn là vấn đề hệ trọng của quốc gia. Tài không đợi tuổi, nhưng tài đến đâu, như thế nào, thậm chí có thực tài hay không thì phải được chứng minh bằng hành động, việc làm cụ thể, chứ không phải là vị trí, chức vụ mà người đó nắm giữ.

Chọn đúng người tài, mạnh dạn giao trọng trách, người nhận nhiệm vụ sẽ nỗ lực, cố gắng, cùng tập thể quyết liệt đổi mới, dám nghĩ táo bạo, dám làm hết mình, dám chịu trách nhiệm cá nhân để gặt hái thành công. Bằng những kết quả, việc làm cụ thể, chứ không chỉ là những lời nói xáo rỗng, hào nhoáng thoảng qua. Có như thế, việc tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trẻ mới hết để người đời giễu nhại, xem thường rằng đó là: “Con ông cháu cha”, “con cháu các cụ cả”, “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ”…

Và khi ấy, cái câu tài không đợi tuổi cũng trở nên bình thường!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ