Nhu cầu về lưu trữ trực tuyến đang ngày càng cần thiết, nhưng hầu hết các dịch vụ đám mây cho người dùng phổ thông chỉ miễn phí một mức dung lượng nhất định, như iCloud là 5GB, OneDrive hay Google Drive là 15GB.
Muốn sử dụng vượt giới hạn trên, người dùng buộc phải mua thêm dung lượng. Chẳng hạn, Google Drive duy trì 100GB mỗi năm với giá 450.000 đồng, 1TB giá 2,25 triệu đồng, từ 2TB chỉ cho phép duy trì theo tháng với giá từ 450.000 đồng/tháng.
Thời gian qua, một số trang thương mại điện tử trong nước xuất hiện nhiều dịch vụ bán tài khoản với dung lượng "khủng", thậm chí là không giới hạn dung lượng, nhưng chỉ vài trăm nghìn đồng, như Google Drive không giới hạn lưu trữ giá 250.000 đến 300.000 đồng hạn dùng 5 năm, OneDrive 5 TB dùng vĩnh viễn giá chỉ 39.000 đến 200.000 đồng, Office365 dùng không giới hạn giá 250.000 đến 350.000 đồng...
Người bán khẳng định là dữ liệu không bị mất, thậm chí bảo hành từ hai đến ba năm nhằm tạo lòng tin, nhưng yêu cầu người mua chuyển tiền trước và tài khoản về sau vài ngày. Trước đây, những dịch vụ này được rao bán chủ yếu trên các hội nhóm mạng xã hội hoặc website rao vặt nhỏ lẻ.
Theo một người từng kinh doanh loại hình này ở TP HCM, loại tài khoản nói trên chủ yếu có dạng xxx@edu.*, được Google hay Microsoft dành riêng cho giáo dục (học sinh, sinh viên) với mức ưu đãi hoặc miễn phí về dung lượng lưu trữ.
Một số không có nhu cầu và thu gom để bán lại. Bên cạnh đó, loại tài khoản này còn đến từ những nguồn mờ ám khác, như từ hacker. "Hacker đánh cắp thẻ tín dụng, sau đó mua tài khoản trực tuyến và bán cho người dùng với giá rẻ", người này tiết lộ.
Tài khoản Office365, Google Drive, OneDrive giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Trước đây, loại tài khoản này được một số người sử dụng làm nơi lưu trữ phim lậu và ít được chú ý. Tuy nhiên, kể từ khi Google siết chặt, chúng được bán cho mục đích lưu trữ cá nhân.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho rằng việc lưu trữ trên những tài khoản này không an toàn, thậm chí mất dữ liệu bất kỳ lúc nào nếu chẳng may chúng hết hạn hoặc bị bên phát hành dịch vụ phát hiện gian lận và loại khỏi hệ thống.
"Hầu hết các yếu tố về xác thực đều bị người khác nắm giữ. Hạn sử dụng cũng tùy vào người đăng ký chứ không phải người mua. Khi bị loại khỏi hệ thống, dữ liệu của bạn gần như không thể cứu vãn", ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thắng, việc mua bán tài khoản lưu trữ trên là vi phạm các chính sách do bên phát hành dịch vụ đưa ra. Không những thế, đây là hành động tiếp tay tiêu thụ hàng hóa phạm tội, bởi không ít trong số chúng có thể được mua từ thẻ tín dụng bị đánh cắp.