Người Mỹ hiểu thêm sức mạnh Việt qua “Tiếng đàn Ta Lư”

Người Mỹ hiểu thêm sức mạnh Việt qua “Tiếng đàn Ta Lư”

(GD&TĐ) - Sức lan tỏa từ bài hát "Tiếng đàn Ta Lư" của nhạc sĩ Huy Thục  thì có thật nhiều: Ví như chuyện một đồng chí cán bộ ở một đơn vị pháo binh trên chiến trường Quảng Trị đã tìm đến nhà nhạc sĩ "đòi tặng" nhạc sĩ một vỏ đạn pháo cỡ lớn với lời giải thích: "Em mê ca từ của Tiếng đàn Ta Lư, vì trong đó có nói tới chiến công của đơn vị "Ơi anh pháo binh, pháo ta gầm đạn nổ như hoa". Rồi một đội văn nghệ được đặt tên là "Đội Ta Lư". Câu chuyện dưới đây cũng là một minh chứng.

Vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục bên cây đàn
Vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục bên cây đàn

Sáng ấy, Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục có khách mà lại là khách nước ngoài mới đặc biệt. Tuy đã được báo trước theo đường "ngoại giao", nhưng ông và gia đình cũng không hiểu ý nghĩa của chuyến viếng thăm của họ là gì. Khách là ba người Mỹ (một người da màu, hai người da trắng mang theo máy ghi hình, máy chụp ảnh dáng vẻ như nhà báo). Họ đứng thẫn thờ, có lẽ không tin nổi "một nhạc sĩ lớn mà ở căn nhà đơn sơ như vậy"? Sau những cái bắt tay, lời chào xã giao, một vị khách giới thiệu (qua người phiên dịch):

- Chúng tôi là những lính thủy đánh bộ Mỹ, năm xưa từng ở chiến trường Quảng Trị, hồi đó đã từng được nghe "Tiếng đàn Ta Lư" của ngài qua băng thu thanh và được dịch ra tiếng Anh, khi về nước mọi người bàn nhau phải trở lại Việt Nam để "giải mã" bài hát cũng như nỗi tò mò tại sao "Việt Cộng" có thể sáng tác và hát những giai điệu rộn ràng, vui tươi như thế trong chiến tranh ác liệt. Bài hát còn mô tả số phận người lính chúng tôi "tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia, nó bỏ xác ở trên rừng"… Nghe đến đây, nhạc sĩ Huy Thục như đã hiểu phần nào ý nghĩa chuyến thăm của họ. Không bất ngờ, ông trả lời rất đĩnh đạc:

- Thôi thế này nhé, ngạn ngữ Việt Nam có câu "trăm nghe không bằng một thấy", các bạn nghe vợ chồng tôi vừa đàn, vừa hát bài "Tiếng đàn Ta Lư", rồi chúng ta nói chuyện.

Thế rồi không phải chờ lâu, từng nốt nhạc ngân lên, sóng nhạc cuồn cuộn đi cùng lời ca như giục dã: "Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu… Tính tính tính tính tính tính tính tang tang tình, ơi anh pháo binh pháo ta gầm đạn nổ như hoa… đồn quân giặc đốt cao cao…" Những vị khách bị bài hát thôi miên và kết thúc trong sự nuối tiếc, tiếng vỗ tay reo hò tán thưởng. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng rơi xuống. Những người lính từng bên kia chiến tuyến thực sự như thấy có lỗi và thấy ân hận về việc làm phi nghĩa của mình. Tranh thủ, những cựu binh Mỹ hỏi những điều họ chưa rõ:

- Thưa ngài "gùi trên vai nặng trĩu" lại còn mang theo đàn? Hình ảnh thật lãng mạn quá! Các ngài phải huy động sức người vận chuyển vũ khí khí tài phục vụ cuộc chiến vậy mà vẫn không quên cây đàn. Đó là điều mà người Mỹ không thể tưởng tượng nổi, chúng tôi thua là phải ! Rồi "rừng núi vui mừng công anh" đến cả những thứ vô tri, vô giác cũng biết "thể hiện tình cảm" với anh giải phóng quân thì thật kì lạ…

Cứ vậy, chủ và khách trở nên gần gũi, ranh giới giữa những người ở hai bên chiến tuyến ngày xưa mờ dần đi. Những người khách Mỹ bảo về nước họ sẽ dựng cuốn phim về cuộc đến thăm nhạc sĩ Huy Thục đầy ý nghĩa này.

Nguyễn Văn Thế

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.