Hệ lụy “cày” game xóm trọ

Hệ lụy “cày” game xóm trọ

(GD&TĐ) - Ngày nay Internet được sử dụng như một công cụ đắc lực phục vụ cho việc học hành, nghiên cứu, làm việc, giải trí… Trong đó các loại hình game online là một trong những hình thức giải trí được giới trẻ yêu thích nhất.

Trên thị trường game online hiện nay những game thủ không chỉ hoạt động trong các quán Internet mà đã và đang mở rộng ra cả “thị trường xóm trọ”. Những game thủ “ngoan ngoãn” ở cả ngày trong phòng trọ quên cả việc học hành đang trở thành vấn đề bức xúc của gia đình, nhà trường và xã hội.

Bỏ học chứ không… “bỏ game”

Xét cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn thì các trò game online là một thành tựu của công nghệ giải trí với sự phát triển vượt bậc là khả năng kết nối cùng lúc, trực tiếp giữa nhiều người tham gia. Thế nhưng cũng chính sự hấp dẫn, “thế mạnh” này của game online lại làm nhiều game thủ trở thành những con nghiện, vùi dập sức khỏe, tuổi trẻ trong thế giới của “net”.

Với ưu thế là loại hình giải trí hiện đại, dễ chơi, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, rõ ràng hiện nay ngoài tác dụng giải trí, game online cũng tiềm ẩn nhiều tác hại. Nhiều thanh thiếu niên không chỉ đơn thuần coi game online là phương tiện giải trí, khi đã bị cuốn hút vào game online đến mức bỏ bê cả ăn uống, học tập…

Có thể nói rằng họ bị nghiện game online ở mức độ nặng hay nhẹ tùy theo dấu hiệu. Hiện nay, hầu như tất cả các sinh viên khi theo học tại các trường ĐH, CĐ, TC… đều được trang bị máy tính để phục vụ cho việc học hành. Các nhà mạng cũng đua nhau cung cấp các gói thuê bao dễ sài cho sinh viên.

Điều kiện như vậy đã mở toang cơ hội để những sinh viên mới chỉ thích game dễ dàng trở thành nghiện nặng.

Trước kia, khi chưa có máy tính, họ phải chơi ngoài quán Internet, chi phí cũng lớn hơn nhưng nay có thể ngồi “cày game” ngay tại phòng cả ngày lẫn đêm cũng “vô tư”. “Thấy bọn bạn có máy tính chơi game thoải mái nên mình cũng đã điện về xin bố mẹ sắm cho một cái laptop nói là cần sử dụng vào việc học nhưng chơi game là chính chứ bọn mình học năm nhất cần gì nhiều tới máy tính đâu” - Nguyễn Văn Sơn, Trường Cao đẳng Xây dựng Số 1 chia sẻ.

Chi tiền triệu mua kiến thức

Môi trường game online rất sống động, thậm chí trong nhiều trường hợp còn ly kỳ hơn cuộc sống bên ngoài. Càng dành nhiều thời gian chơi, niềm đam mê, đầu tư cho nhân vật càng lớn. Săn lùng, nhặt đồ, bán đồ, sôi động chẳng khác nào thế giới thật.

Và rồi họ đã trở thành dân “nghiện” lúc nào không biết. Có thể thấy rằng ranh giới giữa chơi game và nghiện game là rất mong manh, vì bản thân trò game online là giải trí nhưng lại mang tính kích thích rất mạnh do có thi đấu, cạnh tranh và có thưởng.

Nhưng trong “thế giới ảo” ấy, đồ vật không phải tự dưng có mà cũng phải mua sắm như ngoài đời thường. Muốn có tiền mua thì phải nạp thẻ game, phải có “đầu tư” để nâng cấp nhân vật của mình.

Hoàng Minh Khoa - sinh viên Trường ĐH Xây dựng bộc bạch: “Mỗi tháng bình thường em phải nạp thẻ 250.000 nghìn đồng để mua đồ, gia hạn đồ, nâng cấp nhân vật. Tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng không đủ chi tiêu từ khi em dính vào game. Nhưng em không thể bỏ game được, bỏ học được chứ game thì không”. 

Nhiều sinh viên lao vào game mà việc học hành cũng vì thế giảm sút trông thấy. Có sinh viên nợ tới gần 30 môn học rồi bị nhà trường đuổi học vì không có khả năng trả môn.

Bên cạnh đó còn có trường hợp sinh viên năm cuối, mải chơi game, không có thời gian chuẩn bị cho luận văn hay đồ án tốt nghiệp; những “anh hùng bàn phím” đã sử dụng chiêu thức “mua kiến thức” để dành thời gian đầu tư cho thế giới game online.

Anh Nguyễn Huỳnh Khanh, chủ một cửa hiệu photocopy gần một trường ĐH lớn bật mí: “Mỗi năm đến khoảng tháng 3 đến tháng 6, cửa hàng nhận được từ 20 - 25 hợp đồng làm thuê luận văn và đồ án. Giá cả thì tùy theo đề tài và có tài liệu kèm theo hay không, đồ án thì từ 1 - 1.5 triệu/ 1 đầu việc, luận văn từ 600.000  -  900.000 nghìn/ 1 đề tài, còn tiểu luận hết môn thì từ 150.000 - 200.000 nghìn/ quyển”.

Ăn cùng game, ngủ cùng game

Môi trường tại xóm trọ được các game thủ khai thác một cách triệt để và được coi là “sới chơi” an toàn tuyệt đối, không bị giới hạn thời gian. Ngoài giờ đến lớp, thời gian còn lại đều được các game thủ đầu tư vào game online.

Bước vào các xóm trọ có phòng nam thì hầu như không xóm nào không có các game thủ đang “cày”. Những ngôn ngữ trong phiên bản game đang ăn sâu vào ngôn ngữ đời thường. Nguyễn Lan Hương, sinh viên trường Sư phạm cho biết: “Trong xóm trọ của em có mấy phòng nam. Suốt ngày chỉ thấy các bạn ấy đóng cửa trong phòng, cắm đầu vào cái máy tính cày game.

Em thực sự không thể hiểu nổi cuộc sống của họ như thế nào khi cả ngày chỉ ra ngoài một lần”. Khi được hỏi về loại hình game đang “hot” hiện nay thì một game thủ hào hứng chia sẻ nào thì game Đế chế, Gunny, Liên minh Huyền Thoại, Heplai…Qua đó thấy quả thật game online có sức hút đặc biệt đối với họ.

Vẫn biết game online là một loại hình thức giải trí có nhiều đặc tính phù hợp với giới trẻ nhưng việc lạm dụng game tại các xóm trọ sinh viên thực sự là hồi chuông cảnh báo với bất cứ bậc phụ huynh nào cũng như toàn xã hội. Bản thân các bạn trẻ cần phải tỉnh ngộ trước những hiện tượng đang trở nên thái quá này. Cha mẹ đầu tư cho chúng ta tiền để ăn học thành người có ích chứ không phải đầu tư để chúng ta thành những “con nghiện game”… 

Thanh Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.