Tác phẩm báo chí dự thi phản ánh khá toàn diện bức tranh ngành giáo dục

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Xin ông chia sẻ một số cảm xúc khi tham gia Ban giám khảo giải báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm nay?

Năm nay là lần thứ 2 tôi được mời vào Ban Giám khảo giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Dù đã tham gia chấm giải báo chí ở nhiều ngành, nhưng riêng giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” tôi thấy trách nhiệm lớn lao hơn, vì vấn đề giáo dục luôn có tác động xã hội rất lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay hầu như cơ quan báo chí nào cũng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và có phóng viên theo dõi mảng này; các phóng viên giáo dục thường rất tâm huyết, có trách nhiệm, nhiều người giỏi chuyên môn nên “cầm cân, nảy mực” những tác phẩm của họ cũng là một thách thức.

Việc chọn các tác phẩm vào chung kết, bản thân tôi không thấy nhiều khó khăn, vì nhiều tác phẩm dự thi năm nay rất có chất lượng. Tuy nhiên, để chọn tác phẩm hay xuất sắc lại khó, vì được vào chung khảo đều là những tác phẩm một chín, một mười, đều là những đứa con tinh thần tâm huyết của các nhà báo.

- Ông đánh giá thế nào về số lượng, chất lượng, đề tài các tác phẩm dự thi năm nay?

Trước hết phải kể đến việc số lượng các bài dự thi năm nay nhiều hơn so với năm trước, đó là điều đáng mừng, vì những vấn đề giáo dục đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó có đội ngũ làm báo.

Về chất lượng, các bài dự thi năm nay cũng hơn hẳn. Có thể năm 2018 là năm đầu tiên tổ chức giải nên mọi người còn rụt rè khi tham gia, cũng như rụt rè khi đưa những tác phẩm có phần gai góc một chút. Nhưng năm nay thì ghi nhận nhiều tác phẩm vượt trội, đặc biệt là ở mảng phát thanh và báo in.

Các đề tài trong tác phẩm báo chí dự thi năm nay cũng rất phong phú, đề cập đến hầu hết các vấn đề của ngành giáo dục với cả ưu điểm và hạn chế, bất cập như: việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; vấn đề đạo đức nhà giáo và đời sống giáo viên; tuyển dụng, sử dụng giáo viên; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; bạo lực học đường; giáo dục đạo đức lối sống học sinh sinh viên…

Có những tác phẩm đề cập đến một số mảng đặc thù như giáo dục đặc biệt, giáo dục trong các trường quân đội… Có thể nói, đọc các tác phẩm dự thi năm nay có thể thấy được khá toàn diện bức tranh của ngành Giáo dục.

Những bài viết về điển hình tập thể, cá nhân ngành Giáo dục năm nay cũng khá phong phú, nổi bật, có thể nói đến tác phẩm “Những người thầy thắp lửa” của VOV, “Những ngôi trường dưới chân núi Mẫu Sơn” của Vietnamnet; Đài truyền hình Việt Nam có tác phẩm về những lớp học ở Lúng Cú (Hà Giang), tác phẩm về lớp học tình thương của người thầy giáo thương binh…

Không chỉ biểu dương, ghi nhận cống hiến của các thầy cô giáo trong ngành, nhiều bài viết khai thác câu chuyện cảm động về những người ngoài ngành vẫn âm thầm, lặng lẽ làm giáo dục. Các nhà báo đã đi sâu vào đời sống giáo dục, trèo đèo, lội suối, thức đêm, cùng ăn cơm bản với thầy cô để có được những bài viết chân thực, xúc động về sự hy sinh của các thầy cô giáo vùng khó.

Về các tác giả, bên cạnh những tên tuổi nhà báo đã được biết đến nhiều cũng có khá nhiều tác giả trẻ, những cái tên rất mới đóng góp bài vở tương đối chất lượng, thể hiện sự dấn thân trong từng bài viết.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) trong vai trò giám khảo một giải thưởng báo chí.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) trong vai trò giám khảo một giải thưởng báo chí.

- Đâu là điểm nhấn vượt trội của giải báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm nay so với năm trước, mong ông nói rõ thêm?

Một điểm nhấn theo ghi nhận của cá nhân tôi là sự đồng đều giữa các tác phẩm nói về vấn đề giáo dục và các tác phẩm ghi nhận các điển hình giáo dục; số lượng tác phẩm chỉ rõ các khó khăn, hạn chế của ngành cùng giải pháp khắc phục vượt trội hơn nhiều so với năm trước.

Nổi bật là loạt bài “Bất cập trong quản lý nhà nước về giáo dục” của báo Giáo dục và Thời đại; loạt bài về tự chủ đại học của báo Nhân dân; bài viết về những giáo viên biệt phái của báo Giáo dục và Thời đại; bài về bạo lực học đường của Thông tấn xã Việt Nam; bài “Thâm nhập đường dây gian lận chứng chỉ” của báo Lao động…

Bên cạnh đó, ở thể loại phát thanh, truyền hình, báo điện tử đều có sáng tạo tốt trong hình thức thể hiện. Nhiều tác phẩm phát thanh có cách thể hiện mới và tương đối độc đáo, như phát thanh thực tế, hay vừa phát thanh vừa livetream…

Các tác phẩm truyền hình cũng vậy, với việc áp dụng công nghệ hiện đại, nhiều tác phẩm tinh tế, sử dụng được nhiều khuôn hình, chi tiết tốt; có tác phẩm chỉ có lời thoại mà không cần lời bình của phóng viên.

Với báo điện tử, nhiều tác phẩm sử dụng công nghệ làm báo Mega Story, bài long- form rất công phu. Nhiều tác phẩm báo chí có góc tiếp cận mới, hành văn ngắn gọn, xúc tích…

- Ngoài những nhận định đánh giá cao ở trên, ông có góp ý gì cho Giải hay không?

Tôi cho rằng, giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" cần được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa, thu hút nhiều và phong phú hơn nữa các đối tượng tham gia. Dù so với năm ngoái, các tác phẩm tham dự đã vượt lên nhiều về số lượng và cả chất lượng, nhưng số cơ quan báo chí địa phương tham gia vẫn chưa nhiều so với kỳ vọng; số lượng các tác giả không chuyên tham gia dự thi cũng còn hạn chế. Có lẽ vì vậy mà những vấn đề giáo dục địa phương vốn vô cùng phong phú vẫn chưa được khai thác đúng với tiềm năng.

Viết về giáo dục vừa khó lại vừa dễ. Dễ là bởi vấn đề giáo dục vô cùng phong phú, có thể gặp bất cứ đâu quanh ta. Khó là để viết hay, viết đúng, cần phải hiểu về giáo dục, trong đó có vấn đề chính sách. Do đó, tôi mong rằng, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức buổi tập huấn cho đội ngũ phóng viên giáo dục, để họ hiểu hơn về ngành; đồng thời chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ