Tác nghiệp ở Trường Sa

Tác nghiệp ở Trường Sa

(GD&TĐ) - Đi công tác Trường Sa, hay ngắn gọn hơn là “đi Trường Sa”, với bất kỳ người con đất Việt Nam cũng thấy tự hào nếu may mắn được đi. Với những người làm báo, đó lại càng là tự hào lớn, một chuyến đi lớn, nếu không muốn nói là “để đời” trong đời cầm bút nhặt tin.

Các chuyến xuồng đưa nhà báo vào thăm đảo
Các chuyến xuồng đưa nhà báo vào thăm đảo

Được tác nghiệp ở nơi được mệnh danh là “quần đảo bão tố”, được làm việc trong cái mênh mông, sâu thẳm, ồn ào, dữ dội, chứa đựng nhiều hiểm nguy của biển; được sáng tác ngay trên tàu, trên xuồng; được chạy đua cùng con nước thủy triều trong cái nắng bỏng thịt, tróc da, cùng với vô vàn sự thú vị khác từ thiên nhiên huyền bí mang lại… Những câu chuyện kể đó của người đã đi cho người chưa đi, chao ôi là giục giã. Nhưng Trường Sa không phải là Lý Sơn, là Cát Bà hay Cồn Cỏ, muốn đi lúc nào cũng được. Mỗi bài viết, mỗi tấm hình gửi về từ hải đảo xa xôi, có thể còn đơn sơ vội vã do các nhà báo phải chạy đua cùng thời gian, chạy đua cùng sóng biển, nhưng người đọc có biết không, đã gửi vào đó bao tâm tình, kìm nén bao cảm xúc trong vài trăm chữ viết do khuôn khổ tờ báo hay trang điện tử quy định. Đằng sau những bài viết, những tấm hình đó, còn biết bao câu chuyện muốn kể thêm, muốn đi sâu thêm…

Chuyến đi Trường Sa đầy cảm xúc tôi được tham gia đã trôi qua gần 2 tháng, nhưng những kỷ niệm thì như mới được ghi nhận chỉ ngày hôm qua, hôm kia, và đã biết chắc sẽ chẳng bao giờ có thể phai nhạt. Nhớ lắm con tàu HQ 936 gắn bó hơn nửa tháng trời, đưa chúng tôi lênh đênh trên đại dương, ghé qua lần lượt các đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa. Những đảo nổi Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn…; những đảo chìm Cô Lin, Đát Nam, Đá Lát, Đá Tây,… vốn chỉ được nghe bạn bè đồng nghiệp kể lại, trực tiếp trong lúc hàn huyên hay trên các ấn phẩm, nay đã được đặt chân, được giao lưu tiếp xúc với những người con đất Việt ngày đêm bám đảo, bám biển để bảo vệ chủ quyền cho quê hương Tổ quốc, từ những người lính hải quân kiên cường cho đến những em bé theo gia đình tự nguyện ra đảo sinh sống…

Chuyển quà của đất liền lên cái các đảo
Chuyển quà của đất liền lên cái các đảo

Nhớ những ngày chuẩn bị lên đường. Các thủ tục đăng ký đã được gửi đi. Hồi hộp, lo lắng (có ai không lo lắng khi chưa biết trước mình có chịu được cảnh lênh đênh sóng gió mà khối người đi Trường Sa về đã tả lại) trộn lẫn với sự háo hức của một chuyến đi đã biết trước sẽ là “để đời” của đời làm báo. Đã ngồi lên xe của Bộ đội Hải quân vùng 4 đón từ sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà) để đi vào quân cảng rồi mà vẫn cứ mơ mơ hoặc hoặc. Vậy là mình đang đi Trường Sa? Đến điểm tập kết ở nhà khách Hải quân vùng 4 nằm trong khuôn viên quân cảng, gặp gỡ và trao đổi với các đồng nghiệp cùng tham gia chuyến đi, mới biết cái tâm trạng bâng khuâng khó tả đó không chỉ là riêng của lòng mình. Kể ra mới hay, ai cũng chung tâm trạng lo lắng trước lúc ra khơi. Trước đó, bản tin dự báo thời tiết cho biết xuất hiện vùng áp thấp ở khu vực Hoàng Sa; bản tin thời sự lại liên tục xuất hiện tin tức về các diễn biến mới của tình hình biển Đông với sự hung hăng ngạo mạn của “tàu lạ”… Nhưng thôi, hãy biết ngày mai sẽ lên đường sớm, anh em bảo nhau kiểm tra cho kỹ máy ảnh, laptop, tư trang cá nhân xem còn thiếu gì không còn ra chợ Cam Ranh mua bổ sung, chứ tàu đã nhổ neo rồi thì có gì dùng ấy, có tiền tấn cũng chẳng mua được món đồ mình thiếu và cần giữa biển khơi nữa.

Đúng 7h sáng, con tàu HQ 936 hú lên 3 hồi còi dài chào đất liền, rồi hùng dũng rẽ sóng rời quân cảng Cam Ranh. Lúc này, thú thực tôi mới thật sự tin rằng mình đang trên đường ra Trường Sa, chắc chắn sẽ ra Trường Sa. Tíu tít gọi điện khắp nơi, nhất là khoe với bạn bè đồng nghiệp: này, Trường Sa đang đợi tớ. Ai cũng tranh thủ ôm cái alo. Chẳng lạ, tàu rời quân cảng chừng 3 giờ đồng hồ thì hết sóng điện thoại, từ đây, chỉ còn mạng Viettel mỗi khi tàu ghé vào đảo nào đó. Buổi sáng đầu tiên trên tàu, bận rộn nhất, không kể các thuỷ thủ và đội phục vụ tàu, có lẽ vẫn là cánh phóng viên. Góc này boong tàu, một nhóm phỏng vấn ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà, Trưởng đoàn công tác ra Trường Sa lần này của chúng tôi. Mé bên kia, nhóm khác đang tay máy ảnh tay ghi âm vây quanh Chuẩn Đô đốc Trần Đình Xuyên, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Phó trưởng đoàn công tác. Góc cuối boong, chúng tôi ngồi quanh 5 nhà sư đầu tiên ra quần đảo Trường Sa nhậm trụ trì.... Người hỏi, người chụp ảnh, người tranh thủ lôi ngay laptop ra gõ bài để còn kịp gửi về khi mà tín hiệu 3G vẫn còn; để rồi tối hôm sau đặt chân lên đảo đầu tiên là Song Tử Tây, một số phóng viên “nhanh tay” (trong đó có tôi), tự hào mở mạng lên, khoe nhau bài viết đã được đăng tải từ trưa hôm trước về cuộc khởi hành của hải trình…

Đêm đầu tiên trên biển, chúng tôi còn cảm nhận được ánh đèn lung linh phát ra từ những con tàu câu mực gần bờ. Nhưng qua hết khu vực này biển trở nên mù mịt, xung quanh chỉ mênh mông một màu tối đen. Ngày ở trên biển như dài hơn. Tỉnh dậy lúc 5 giờ đã thấy mặt trời ló dạng ánh hồng. Và khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc thấy rõ nhất “màu thật” của biển cả giữa trùng khơi, một màu xanh kỳ lạ đã choáng ngợp tầm mắt chúng tôi suốt cả ngày hôm qua và sẽ theo suốt hơn chục ngày còn lại của hải trình. Đoàn chúng tôi ra Trường Sa lần này có hơn 150 người, đến từ các tỉnh Khánh Hoà, Vĩnh Phúc và Điện Biên; nhóm phóng viên có gần 20 người, chỉ có 3 nữ, già trẻ đều đủ cả. Trẻ nhất là cậu Tùng báo Hải Quân, mới 25 tuổi, tuy vậy, đây đã là lần thứ 3 Tùng ra Trường Sa. Cậu này cũng “lỉnh kỉnh” đồ đạc nhất với 1 máy quay “to tổ bố” (như cách nói hài hước của anh Quang Hân - Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ) lại thêm cái máy ảnh cũng không thể gọi là nhỏ. Hầu hết cánh phóng viên trẻ cũng lỉnh kỉnh như vậy: máy ảnh ống nọ ống kia, laptop lúc nào cũng kè kè bên người để rảnh là gõ bài ngay, có tín hiệu mạng là gửi bài lập tức. Chỉ có các “bác già” là gọn nhẹ với cuốn sổ con con nhét túi (mà chẳng mấy khi thấy lôi ra ghi chép), cái máy ảnh kỹ thuật số du lịch to không quá bàn tay đeo bên thắt lưng. Vậy mà bài vở cũng thấy “lên mạng” tơi tới, ảnh ọt cũng ra trò. Xem ra, không phải cứ “to” là “ăn tiền”!.

Diễn hành trong lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây
Diễn hành trong lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây

Hầu như bước chân lên mỗi đảo, nhất là các đảo lớn có dân ở như Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn, với cánh phóng viên nam như chúng tôi thì khỏi phải nói, cứ như đứa trẻ con lăng xăng khi mẹ đi chợ về. Chụp ảnh, hỏi han, ghi chép, ... và dĩ nhiên người nào cũng tranh thủ “tìm kỷ niệm”: nhặt san hô, tìm quả bàng vuông. Cái gì cũng lạ, cũng đẹp nên phải tranh thủ “bấm” tất. Người chụp nhiều nhất phải kể đến “cụ” Ngọc phóng viên ảnh của Thông tấn xã thường trú ở Khánh Hoà. “Cụ” có 2 máy, con nào cũng to vật vưỡng, mới đến ngày thứ 8 (đúng hôm ở Trường Sa Lớn), “cụ” bảo tôi: Hiện trong laptop của tớ đã có khoảng 5000 cái ảnh từ hôm đi tới giờ. Thất kinh. Mà đó chỉ là những ảnh đạt chất lượng, đã được chọn để lưu.

Một trong những câu chuyện tôi hay kể lại cho bạn bè mỗi lúc hàn huyên sau chuyến đi là kỷ niệm trên đảo chìm Đá Nam. Còn nhớ hôm đó đặt chân lên đảo đã nửa buổi chiều; tôi vội vã gõ bài viết dang dở để kịp gửi về toà soạn (bởi chỉ khi ghé vào đảo nào đó mới có được sóng điện thoại Viettel, có thể truy cập được mạng internet, dù vô cùng chậm). Lúc làm xong, ngẩng lên thấy ngay trước mặt các bạn đồng nghiệp bên báo Thanh Niên, Tuổi trẻ và VOV đang phỏng vấn một sĩ quan trẻ, có lẽ cũng đã sắp xong. Tôi ghé lại “hóng hớt”, nghe bạn đồng nghiệp hỏi câu cuối: “Bé bây giờ được mấy tháng rồi”. Anh sĩ quan - Thượng uý Nguyễn Văn Trung, Chính trị viên đảo – nói nhỏ: “4 tháng”. Tôi đoán ngay anh đang nói về đứa con bé bỏng mới sinh của mình, nên buột miệng: “Thế thì nhớ chết đi được”. Ôi chao, vẫn tự nhận có kinh nghiệm đầy mình với hơn 10 năm làm báo, chẳng hiểu sao tôi lại có thể thốt ra một câu nói đó, giữa hải đảo xa xôi mà những người sĩ quan chỉ huy một năm chỉ duy nhất một lần nghỉ phép này. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in đôi mắt của người sĩ quan trẻ dày dạn sóng gió đó. Đôi mắt đang rất cương nghị, đột nhiên đỏ hoe sau câu nói vô tâm của tôi, kèm theo một lời nghẹn ngào không rõ tiếng: Em chưa từng gặp cháu…

Giao lưu văn nghệ với các cán bộ chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn
Giao lưu văn nghệ với các cán bộ chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn

Lại nhớ hôm ghé đảo chìm Đá Lát. Đến đảo nào đoàn chúng tôi cũng tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ. Ở đảo nổi thì “hoành tráng” với sân khấu lớn, ca sĩ trang điểm lộng lẫy, vũ công biểu diễn bắt mắt. Ở đảo chìm thì không thể. Chỉ có một căn phòng sinh hoạt chung của cán bộ chiến sĩ gần 20m2, gần 20 người quây quần lại đã kín chỗ, nhạc cụ duy nhất cây ghi ta bập bùng, nhưng những lời ca thật da diết. Nhớ hôm đó tôi chụp ảnh xong ngồi ghé lại gần mép cửa, bên cạnh một cậu lính được giao nhiệm vụ kéo xuống đưa đón khách từ tàu vào đảo và ngược lại. Cuộc giao lưu đang rôm rả, chỉ huy ghé vào thông báo: Các anh chị trong đoàn chuẩn bị 30 phút nữa kết thúc để xuống xuồng ra tàu nhé. Đồng nghĩa với việc cậu lính phải rời cuộc giao lưu để xuống chuẩn bị trước. Quân lệnh như sơn, nhưng phải đến cái giục thứ 2 của chỉ huy, cậu lính mới từ từ đứng dậy, rất chậm chạp, gần như lấy 2 tay đẩy người lên. Đến câu giục thứ 3 gần như gắt lên (dù rất nhỏ) của chỉ huy, cậu lính trẻ mới dợm chân bước ra cửa, nhưng cái đầu vẫn ở nguyên bên trong. Thật vậy, chỉ nửa người trước bước ra, nửa sau vẫn nghiêng vào nghe thêm một câu hát, ngắm thêm các cô ca sĩ - những người con gái cả năm mới được nhìn thấy một lần…

Phóng viên tranh thủ phỏng vấn các chiến sĩ lái xuồng đưa đón đoàn ngay tại đảo Đá Tây.
Phóng viên tranh thủ phỏng vấn các chiến sĩ lái xuồng đưa đón đoàn ngay tại đảo Đá Tây.

Nhớ những đêm sóng lặng, sau mỗi giờ ăn tối trên tàu, Chuẩn Đô đốc Trần Đình Xuyên – Phó Tư lệnh Quân chủ Hải quân, Phó Trưởng đoàn đoàn Đoàn công tác của chúng tôi - luôn dành thời gian ngồi tâm sự với anh em trên boong tàu, nhất là với cánh nhà báo, về truyền thống lực lượng Hải quân, về tình hình biển Đông. Với nhóm phóng viên trẻ chúng tôi, ông ân cần như người anh lớn đối với bầy em nhỏ. Ông bảo: “Đi biển, không thể nói là đi quen hay sức chịu đựng tốt để không bị say sóng. Say hay không, nhiều hay ít tùy thuộc vào biển động hay yên lặng. Anh em chúng tôi có nhiều người đi nhiều lần rồi chứ, nhưng có khi vừa ra khỏi vịnh, gặp biển động là bị dần cho tới lúc ra đảo. Say nôn nước xanh nước vàng, nhìn cơm là sợ, cả hành trình chỉ ăn được 2 bữa; thậm chí đi vệ sinh cũng không nổi, vì trong người không còn một lực đẩy nào hết”.

Cái may của chúng tôi trong hành trình này là biển khá êm, dù liên tục thấy báo có áp thấp hay những tín hiệu đe doạ có giông trên biển. Nhưng cũng lao đao mất 1 – 2 ngày đầu; đến khi quen với sóng gió rồi thì mỗi lần bước chân lên đảo, lại say… đất liền. Cái “chao đảo” này mới khiếp. Nhớ hôm lên Cô Lin là đảo chìm đầu tiên, tôi vác laptop ra hành lang nhà nổi, ngồi phịch xuống định gõ nốt bài cho kịp gửi về, đột nghiên thấy bức tường sau lưng như nghiêng đi. Hoảng hốt đứng bật dậy ngó quanh, một sĩ quan trẻ đứng cạnh đấy cười: Nhẹ thôi nhà báo, cẩn thận… tường đổ đấy! Anh chàng hóm hỉnh này có lẽ đã quá quen với tình huống như của tôi, chứ lúc đó quả thực tôi cứ tưởng tường sắp… đổ thật. Định thần lại, mới nhớ cái nhà nổi này thực ra cũng là một cái lô cốt khổng lồ, pháo bắn chưa chắc đã sập. Giữ thăng bằng trên boong tàu đã quen, lúc đặt chân lên nền đất cứng thì chính người mình lại mất thăng bằng. Vừa buồn cười vừa ngượng. Ôi những nhà báo thị thành chỉ quen với phố phường và văn phòng điều hoà máy lạnh; cứ nghĩ mình đã thấu hiểu hết góc cạnh của cuộc đời, có biết đâu chỉ một lần ra Trường Sa đã thấy mình còn nhiều điều còn phải học hỏi, trau dồi thêm nữa…

Nhiều lắm những kỷ niệm tác nghiệp ở Trường Sa mà chưa thể kể hết trong khuôn khổ một bài viết nhỏ này. Đột nhiên, tôi lại nhớ con tàu HQ 936, nhớ chiếc võng “cứu cánh” gắn bó suốt hơn chục ngày trời. Bình thường đi công tác đâu, cánh nhà báo cũng thường được ưu tiên lắm, ăn thì ngồi bàn này, ngủ thì nằm phòng nọ. Ấy cứ nói thực là như vậy. Trên một chuyến đi như thế này, đến cấp lãnh đạo cao như Phó Bí thư tỉnh Điện Biên cũng phải nằm phòng chung, 8 người trong 1 phòng không quá 6m2, bố trí 4 giường theo kiểu gường nằm trên tàu hoả, đồng nghĩa với 4 người phải mang võng ra boong tàu nằm thì chẳng còn ai là đối tượng ưu tiên nữa. Đến như nhà báo Ngô Hà Thái – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cũng mang võng ra boong; cùng với Hoàng Quốc Chiến – Phó trưởng ban Biên tập tin đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam, Đỗ Quang Hân của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, và tôi; lập thành bộ tứ gắn bó suốt cả hải trình; lúc mắc lại cho nhau cái dây buộc võng, lúc chia nhau điếu thuốc, tìm nhau giờ ăn cơm… Không phân biệt “quan báo” hay “lính báo”, chẳng nề hà già trẻ, cần gì biết mai này về Hà Nội sẽ còn liên lạc với nhau chăng… Có lẽ, chỉ những hải trình ra Trường Sa mới thế…

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.